Chén bạch đàn trong truyện Trương Chi được làm từ gỗ cây bạch đàn (khuynh diệp) hay là gỗ của cây đàn hương (Santalum Album)?
Câu chuyện kể về chàng Trương Chi có giọng hát hay khiến Mị Nương say đắm thì đã quá quen thuộc với mọi người. Tuy nhiên, trong nhiều dị bản của nó lại có một chi tiết khá nghịch lý, đó là chi tiết bộ ấm chén “bạch đàn”.
Sự éo le bắt đầu khi hai con người hữu duyên vô phận ấy gặp gỡ, vì thấy Trương Chi xấu quá mà Mị Nương vỡ mộng, không tương tư nữa.
Thế nhưng, về phía Trương Chi, chàng lại bắt đầu tương tư, thương nhớ Mị Nương. Rồi một ngày, vì tủi hổ và mặc cảm, chàng đã nhảy xuống sông tự tử.
“Kiếp này đã lỡ duyên nhau
Thì xin kiếp khác duyên sau lại thành“.
Tuy nhiên, câu chuyện không dừng lại ở đó. Sau khi chết, linh hồn đau khổ của Trương Chi đã nhập vào cây bạch đàn và vô tình, cha của Mị Nương lại mua được khúc gỗ ấy rồi sai thợ tiện thành bộ ấm chén.
Một hôm thanh nhàn, hai cha con đem chén ra uống chơi nhưng hễ Mị Nương cầm chén lên thì hình ảnh Trương Chi với gương mặt buồn rầu lại hiện lên trên mặt nước. Đau lòng, giọt nước mắt của nàng rơi vào chén và hình ảnh Trương Chi cũng biến mất.
Câu chuyện bi đát ấy lẽ ra sẽ dừng lại ở đó nếu người ta không đặt ra câu hỏi: gỗ “bạch đàn” có phải là loại gỗ quý?
Về cây bạch đàn, hay còn gọi là cây khuynh diệp (thuộc họ Sim: Myrtaceae) thì nhiều người đã quá quen thuộc rồi. Cây bạch đàn được trồng làm rừng, lấy gỗ, để chiết xuất tinh dầu khuynh diệp… nhưng cũng được điểm danh là một trong những loài cây kém thân thiện: chỗ nào trồng bạch đàn thì đất đai cơ hồ không còn màu mỡ, cỏ cây cũng khó phát triển.
Xét về nguồn gốc, cây bạch đàn (tức cây khuynh diệp) chỉ mới được di thực vào Việt Nam từ thế kỷ XX trong khi truyện Trương Chi đã xuất hiện từ trước đó (ít nhất cũng từ thế kỷ XVIII – XIX).
Xét về chất lượng, gỗ bạch đàn cũng không phải là loại gỗ thơm có thể tiện khắc đồ đạc.
Mặt khác, theo như truyện thì cha của Mị Nương lại đường đường là một tể tướng đương triều. Và như vậy, để có thể rơi vào tầm ngắm của ông, khúc gỗ ấy hẳn phải là một loại gỗ quý – điều này cũng đã được nói đến trong truyện:
“Đến khi thừa tướng thăng quan”
Mua được cây gỗ bạch đàn quý thay!” (1).
Từ những lý do trên, chúng tôi mạnh dạn cho rằng chi tiết cây bạch đàn được nhắc đến trong một số dị bản truyện Trương Chi không phải để chỉ cây bạch đàn mà chúng ta hay trồng (tức cây khuynh diệp)!
Như vậy, một khả năng khác có thể xảy ra là có loài cây khác cũng mang tên này.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết tên gọi “bạch đàn” trước đây còn được dùng để chỉ cây đàn hương trắng, có tên khoa học là Santalum album (tên Hán tự là “bạch đàn hương” nên được gọi tắt là “bạch đàn”, “đàn hương”, ngoài ra còn được gọi là cây “chiên đàn”).
Đây là cây hương liệu – dược liệu rất quý. Vì vậy, việc dùng gỗ đàn hương để tiện thành bộ chén chè là có thể (lõi gỗ đàn hương có mùi thơm như trầm nên còn được gọi là “trầm bạch”).
Thế nhưng, một vấn đề khác lại được đặt ra là trước thế kỷ XIX, cây đàn hương đã có mặt ở Việt Nam chưa?.
Trong công trình Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Đỗ Tất Lợi nói rằng loài này không có ở Việt Nam. Thế nhưng, theo Võ Văn Chi trong Từ điển cây thuốc Việt Nam thì trước đây, cây đàn hương có ở Việt Nam và mọc hoang ở Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Mặt khác, nhìn từ văn học, thơ ca Việt Nam thế kỷ XIX đã từng nhắc đến đàn hương (ít nhất là trong các bài “Vọng Quan Âm miếu” của Nguyễn Du và “Chiên đàn thụ” của Miên Thẩm). Điều này đã cho chúng tôi thêm một niềm tin nữa về khả năng tồn tại hoặc được sử dụng của loại cây này.
Hiển nhiên, khi đi sâu hơn vào hình tượng đàn hương trong văn học triều Nguyễn, chúng ta sẽ có thêm nhiều câu trả lời khác.
***
Đến đây, chúng tôi xin được quay lại câu chuyện Trương Chi để tự hỏi rằng, linh hồn của kẻ tài tử đáng thương đó có bao giờ nguôi mặc cảm về dung mạo của mình chưa hay hàng trăm năm qua vẫn cùng dân gian thở than những lời đứt ruột?.
Suy cho cùng, chính nỗi đau không hóa kiếp được đã mượn lấy cây bạch đàn cao quý mà lẩn quất, chờ dịp để chứng minh cho cái tâm trong sạch của mình.
Trương Chi, chàng đã quy phục số mệnh hay chính chàng đã chọn cái chết để tố cáo với trời xanh – ông bày ra làm chi cái tài, cái tình giữa cái cút côi, nghèo hèn, xấu xí? Để rồi, kể từ lần gặp gỡ định mệnh đó, chàng đã sống hết mình bằng sự trầm luân hay bằng tiếng hát, hỡi Trương Chi?
Tái bút
Theo công trình Cây thuốc An Giang của tác giả Võ Văn Chi thì ở An Giang và một số tỉnh Nam Bộ có loại cây khác cũng được gọi là bạch đàn hương (tên khoa học là Premna Sp, thuộc họ Cỏ roi ngựa: Verbenaceae). Lõi gỗ của loài này có mùi xá xị, thường được trồng để lấy tinh dầu và làm thuốc, nay chúng tôi cũng xin ghi lại đây để làm tư liệu.
Như vậy, qua bài viết này, chúng tôi tạm thời xem cây gỗ bạch đàn được nói đến trong truyện Trương Chi là gỗ đàn hương trắng (Santalum album) hoặc một loại gỗ thơm khác, nhằm bác bỏ liên tưởng đó là cây khuynh diệp (bạch đàn).