Khi nói đến vị thuốc hồng hoa điều trị bế kinh, mất kinh và đau bụng kinh do ứ huyết thì nhiều chị em thường tưởng nhầm đó là hoa hồng. Tuy nhiên, hồng hoa lại là một loài cây khác và hoa của nó cũng không phải màu hồng.
Nội dung chính ⇒
Hồng hoa là vị thuốc gì?
Cây hồng hoa có tên khoa học là Carthamus tinctorius và thuộc họ Cúc.
Sở dĩ nó được gọi là “hồng hoa” là vì người ta sẽ thu hoạch khi các cánh hoa của nó chuyển dần từ màu vàng tươi sang màu đỏ, sau đó đem phơi khô.
Ở trạng thái khô, dược liệu sẽ có màu đỏ đậm (cùng với màu cam). Vì vậy, chữ “hồng” ở đây là để chỉ màu đỏ (Hán ngữ “红花” là hồng hoa).
Còn cây hoa hồng là tên gọi chung của nhiều loài hoa hồng khác nhau (thuộc chi Rosa, họ Hoa hồng) mà chúng ta hay trồng làm cảnh.
Vị thuốc hồng hoa có tác dụng gì, điều trị bệnh gì?
Trong Đông y, hồng hoa là vị thuốc phổ biến có mặt trong nhiều đơn thuốc hoạt huyết. Chẳng hạn, hồng hoa có mặt trong thuốc “Trật đả hoàn” (là loại thuốc Tàu nổi tiếng giúp tan máu bầm do té ngã, chấn thương).
Tuy nhiên, công dụng nổi tiếng nhất của hồng hoa lại là chữa bế kinh (kể cả bế kinh lâu ngày – khoảng nửa năm), chữa đau bụng dữ dội khi có kinh nguyệt (đôi khi có kèm theo nhức lưng dữ dội) và trễ kinh (trễ từ 5 – 10 ngày do máu huyết không thông). Cơ chế của thuốc là hoạt huyết, tán ứ.
Theo tư liệu y học thì các công dụng của hồng hoa là:
- Hoạt huyết, thông kinh, tán ứ.
- Chữa chứng trễ kinh, kinh nguyệt bế tắc, đau bụng kinh và máu hôi không ra được.
- Chữa hòn cục bì khối, sưng đau do sang chấn.
- Giúp hạ mỡ máu.
- Chống đông máu (chống ngưng huyết).
- Chống viêm.
- Làm tăng co bóp tử cung.
- Làm hạ huyết áp.
- Làm tăng co bóp tim và co mạch máu.
Liều dùng làm thuốc: mỗi ngày, ta lấy từ 3 – 9 g hồng hoa, đem nấu lấy nước rồi để ấm lại và uống (hoặc hãm uống như trà và hãm hai, ba lần nước cho ra hết chất thuốc).
Lưu ý: Phụ nữ có thai không được uống hồng hoa (vì thuốc này hoạt huyết, tán ứ rất mạnh, đồng thời làm hưng phấn tử cung nên sẽ gây hư thai).
Thông tin thêm về công dụng của hồng hoa
- Hồng hoa với rượu: Sách y ghi chép phụ nữ uống nước hồng hoa nấu với rượu có thể trị các bệnh phụ khoa mãn tính, giúp giảm sưng phù, sưng chân trong kỳ kinh nguyệt.
- Hồng hoa ngâm rượu: Để điều trị chứng thối loét da thịt (vì nằm liệt giường), có thể lấy hồng hoa ngâm với rượu rồi thoa ngoài da.
- 5 loại hoa ngâm rượu: Khi bị té ngã, va đập mạnh hoặc đánh nhau gây chấn thương bên trong; có thể lấy hồng hoa cùng với hoa đào, hoa hợp hoan, hoa hiên (tức hoa kim châm) và hoa hồng nhung, đem ngâm rượu rồi ba ngày sau thì có thể dùng dần (mỗi lần uống một ít trước lúc đi ngủ và uống liên tục nửa tháng thì sẽ có hiệu quả). Tuy nhiên, nếu không đủ 5 loại hoa kể trên thì bạn chọn 3 loại trong đó cũng được.
- Cách nấu cháo hồng hoa (tham khảo): Những phụ nữ bị bế kinh hoặc sau khi sinh nở bị đau bụng do tụ máu (máu ra không hết) thì có thể dùng thêm món cháo này. Cách nấu như sau: Trước tiên, lấy 0,1 lạng hồng hoa nấu với 4 chén nước, nấu bằng lửa to cho đến khi nước sôi thì vặn nhỏ lại, sau 10 phút thì tắt bếp, chắt lấy nước (bỏ xác). Tiếp theo, vo gạo cho sạch rồi đổ nước hồng hoa vào, nấu bằng lửa to cho đến khi sôi thì vặn nhỏ lại và đợi cho gạo nở thành cháo (khoảng 20 phút) thì tắt bếp và để ăn lúc còn ấm.
- Về cây hồng hoa: Cây có nguồn gốc từ các nước phương Đông như Nhật Bản, Trung Quốc…; sau đó được di thực sang nhiều nước khác để làm thuốc và làm phẩm màu (màu đỏ rum).
Tư liệu tổng hợp
- Nguyễn Văn Đàn – Vũ Xuân Quang – Ngô Ngọc Khuyến, Cây hoa chữa bệnh, NXB Y học, 2005, trang 158.
- Tạ Ngọc Ái (biên soạn), Trà và các bài thuốc, món ăn bổ dưỡng từ hoa, NXB Thanh niên, 2008, trang 35.
Keyword: hồng hoa có tác dụng gì?