Theo quan niệm của người xưa, “ngũ lao, thất thương” là những nhân tố thường ngày làm tổn hại cơ thể mà chúng ta ít ngờ tới.
Vì vậy, biết và tránh được các tình huống này thì cơ thể sẽ tránh được bệnh tật, khỏe mạnh lâu dài.
Nội dung chính ⇒
“Ngũ lao” là gì?
“Ngũ lao” là 5 điều gây mệt nhọc cho cơ thể. Theo “Hoàng đế nội kinh tố vấn” thì “ngũ lao” chính là:
1. Nhìn lâu làm tổn thương máu (cửu thị thương huyết)
Theo quan niệm y học phương Đông thì “can chủ tàng huyết… khai khiếu ra mắt”. Cho nên, giữa máu huyết và mắt có mối quan hệ qua lại rất chặt chẽ.
Người xưa cho rằng: nếu mắt làm việc quá mức thì máu huyết sẽ bị tổn thương (huyết hư). Các biểu hiện thường thấy của những người dùng mắt làm việc quá lâu là da dẻ nhợt nhạt, hay chóng mặt…
Không chỉ thế, đối với mắt, nếu hoạt động liên tục trong thời gian dài cũng sẽ bị mỏi mắt, nhức mắt, hoa mắt, khô mắt hoặc các tật về mắt (như cận thị)…
Vì vậy, cách bảo vệ mắt cơ bản nhất chính là thỉnh thoảng, ta hãy nhắm mắt lại để mắt thư giãn, nghỉ ngơi (người ngồi máy tính hay xem điện thoại thì cứ nửa tiếng nhắm mắt một lần, nhắm vài giây là được).
2. Nằm lâu làm tổn thương khí (cửu ngọa thương khí)
Bạn biết đấy, cơ thể con người khi sinh ra đã được tạo hóa lập trình cho cơ chế vận động, vì thế mới có các gân nối liền khớp xương (cơ chế cho sự di chuyển, vận động linh hoạt).
Vì vậy, nếu bạn lười vận động nghĩa là bạn đã đi ngược lại với ý định của tạo hóa (mà theo quan niệm của người phương Đông thì “thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong”, nghĩa là thuận với tự nhiên thì tồn tại, nghịch với tự nhiên thì mất đi).
Trong đời sống hàng ngày, bạn cũng sẽ thấy những người lười vận động, hay nằm lại là những người dễ bị bệnh.
Vậy, “cửu tọa thương khí” chính là nằm lâu làm tổn thương khí. Đó là vì khi nằm ở một nơi quá lâu, không khí xung quanh không được lưu thông nên phổi cũng suy yếu. Phổi (phế) chủ về khí của toàn cơ thể, vì vậy, khi phổi yếu thì khí cũng yếu.
Do đó, với những người phải nằm lâu trên giường (do bị bệnh hoặc già yếu nằm liệt giường…) thì càng ngày, thân thể sẽ càng yếu ớt, tinh thần càng u ám, uể oải và phổi cũng yếu đi.
3. Ngồi lâu làm tổn thương thịt (cửu tọa thương nhục)
Bạn có đang làm công việc phải ngồi nhiều không? Nếu có thì ắt hẳn sau khi đọc bài viết này, bạn sẽ phải thay đổi chút gì đó để bảo vệ sức khỏe chính mình.
“Cửu tọa thương nhục” chính là để nói nếu ngồi lâu thì phần cơ thịt sẽ bị tổn hại. Đó là vì khi ngồi lâu, toàn thân ít vận động nên khí huyết cũng vận hành chậm. Về lâu dần, cơ thịt sẽ lỏng lẻo bất lực và chức năng của cơ cũng bị thoái hóa (teo cơ).
Không chỉ thế, ngồi lâu còn khiến bạn đau lưng, đau cổ, đau vai gáy và nhiều hệ lụy khác
Ngược lại, nếu ta vận động vừa phải thì khí huyết được vận hành; cơ thịt tứ chi và toàn thân cũng vì thế mà được nuôi dưỡng, trở nên săn chắc hơn.
4. Đứng lâu làm tổn thương xương (cửu lập thương cốt)
Nếu bạn đã từng làm qua những vị trí phải thường xuyên đứng suốt ngày (như công nhân đứng máy, lễ tân, bảo vệ…) thì bạn sẽ ít nhiều hiểu được cảm giác nhức xương chân, nhất là xương gót chân.
Người xưa nói không sai: “cửu lập thương cốt”, nghĩa là đứng lâu làm tổn thương đến xương cốt.
Đó là vì khi ta đứng lâu, nhất là đứng yên trong một tư thế nhất định thì xương sống sẽ phải liên tục chịu áp lực nâng đỡ cơ thể, đồng thời các cơ cũng phải tăng cường chức năng để phù hợp với tư thế đứng thẳng của con người (về lâu dần, các cơ sẽ mỏi và truyền tín hiệu tới não, từ đó dẫn đến phản xạ đau thắt lưng).
Đến đây, chúng ta hiểu rằng ngồi lâu có hại nhưng đứng lâu thì cũng có hại.
Ngược lại, nếu trong đời sống hàng ngày, ta chỉ nằm, ngồi… mà không đứng (hoạt động đứng đúng cách trong một thời gian nhất định) thì xương cốt cũng sẽ bị ảnh hưởng (khi không thực hiện nhiệm vụ nâng đỡ cơ thể thì xương cũng không được kích thích, về lâu dài sẽ dẫn đến loãng xương).
5. Đi nhiều làm tổn thương gân (cửu hành thương cân)
Ở trên, chúng ta có nói con người sinh ra là đã được mặc định phù hợp với cơ chế vận động (gân xương linh hoạt). Tuy nhiên, nếu vận động quá mức thì cũng là điều không tốt.
Người xưa nói: “cửu hành thương cân”, nghĩa là người hay đi nhiều thì sẽ làm tổn thương đến gân.
Thật vậy, khi chúng ta đi lại nhiều, khớp gối và gân cơ đều phải hoạt động quá mức, về lâu dần sẽ gây thương tổn (khớp gối là phủ của gân).
Đến đây, chúng ta hiểu rằng đi bộ thì tốt nhưng đi bộ liên tục quá mức thì lại gây hại.
Do đó, trong sinh hoạt đời thường, chúng ta nên thực hiện các hoạt động cơ thể ở mức vừa phải, có đi có đứng, có nằm có ngồi và thỉnh thoảng nên nhắm mắt vài giây để mắt thư giãn, không tập trung vào vật gì quá lâu (nhất là màn hình điện thoại, máy tính…).
“Thất thương” là gì?
Bên cạnh “ngũ lao” thì người xưa còn khuyên chúng ta phải tránh “thất thương” – 7 điều làm tổn thương cơ thể.
Theo “Chư bệnh nguyên hậu luận” thì “thất thương” chính là:
1. Ăn uống quá no làm tổn thương tỳ (đại bão thương tỳ)
Y học cổ truyền và y học hiện đại đều khuyên chúng ta không nên ăn quá no, chỉ nên ăn lưng bụng, no vừa tới là đủ. Đó là vì khi chúng ta ăn quá no, bao tử sẽ phải làm việc quá sức, về lâu dần khiến cho Tỳ Vị tổn thương.
Khi ăn quá nhiều, bạn còn gặp phải các vấn đề như khó tiêu, đầy bụng… ngoài ra còn gây béo phì và các hệ lụy khác.
2. Tức giận quá nghịch khí làm tổn thương gan (đại nộ khí nghịch thương can)
Hành “Mộc” ứng với “can”(gan) trong “ngũ tạng” và ứng với “nộ” (nóng giận) trong “thất tình”. Vì vậy, những người hay nóng giận thì gan khí bị ngưng trệ, tổn thương, sinh lý cơ thể cũng bị rối loạn.
Trong đời sống, chúng ta cũng hay nói đùa rằng “Đừng nóng quá, nóng quá nổi mụn đó!”. Thiết nghĩ, câu nói trên nếu hiểu theo nghĩa nóng nảy tức giận làm tổn thương gan và dẫn đến nổi mụn thì cũng là có cơ sở.
3. Cố sức mang vác vật nặng, ngồi lâu ở chỗ ẩm thấp gây tổn thương thận (cường lực cử trọng, cửu tọa thấp địa thương thận)
Không ai muốn mình phải gồng gánh vất vả, làm việc nặng nhọc hay phải bưng vác một vật nào đó vượt quá sức mình. Đó là vì sau khi mang vác vật nặng, ta dễ bị đau cơ và đau lưng.
Theo y học cổ truyền, lưng là phủ của thận, vì vậy, lưng bị ảnh hưởng thì thận cũng vậy.
Ngoài ra, nhiều người thường không để ý chỗ ngồi nghỉ, thường hay ngồi ở những nơi ẩm thấp, dễ chứa mầm bệnh.
Cho nên, người xưa đúc kết thành câu “cửu tọa thấp địa thương thận” là để nhắc chúng ta cần tránh ngồi lâu ở những nơi ẩm ướt (cơ thể sẽ dễ bị khí lạnh xâm nhập làm tổn thương thận).
4. Thân thể nhiễm lạnh lại uống lạnh làm tổn thương phổi (hình hàn ẩm lãnh thương phế)
Bạn có biết vì sao những người kỹ tính trong ăn uống thường kiêng nước đá không? Không chỉ để bảo vệ răng mà còn là bảo vệ cơ thể.
Đó là vì khi cơ thể bị nhiễm lạnh, ta lại ăn uống thêm đồ lạnh thì “hàn” gặp “hàn” khiến cho Âm – Dương trong cơ thể mất cân bằng, từ đó phế tạng cũng bị tổn thương (thường dẫn đến các bệnh về hô hấp như ho đờm, sổ mũi…).
5. Thân thể lao lực làm tổn thương thần (hình lao ý tổn thương thần)
Đây cũng là điều dễ hiểu vì khi chúng ta làm việc quá sức, để cơ thể mệt mỏi trong thời gian dài thì không chỉ thể chất mà cả tinh thần cũng suy nhược, kiệt quệ.
6. Gió, mưa, lạnh, nóng làm tổn thương hình thể (phong vũ hàn thử thương hình)
Trong đời sống hàng ngày, chúng ta khó có thể tránh khỏi gió, mưa, lạnh, nóng. Tuy nhiên, nếu liên tục dãi nắng, dầm mưa, chịu lạnh, chịu gió… thì sẽ rất dễ cảm bệnh, gây tổn thương hình thể.
7. Quá sợ hãi không tiết chế được làm tổn thương ý chí (đại khủng cụ bất tiết thương chí)
Cảm xúc sợ hãi là cảm xúc thường tình của con người. Tuy nhiên, sợ hãi quá độ lại không tốt cho sức khỏe (dân gian hay nói sợ “khiếp vía mà vỡ mật”. Không chỉ thế, người hay sợ hãi thì tinh thần yếu ớt, ý chí không mạnh mẽ, không kiên định, khó làm thành đại sự.
Bảy điều trên đây không chỉ liên quan đến sức khỏe thể chất mà còn liên quan đến sức khỏe tinh thần của con người.
Vì vậy, tránh được “thất thương”và “ngũ lao” thì cơ thể sẽ khỏe mạnh, tinh thần mạnh mẽ, cuộc sống nhờ thế cũng chuyển biến tốt hơn.
Xem thêm: Người tôn quý sở hữu 3 đức tính quý báu, ai có được nên trân trọng
Tư liệu tổng hợp
- 中医说,人有“五劳七伤”,你了解多少?, http://wsjk.tj.gov.cn/JKJY5233/JKZS7782/202011/t20201110_4047429.html
- Ngũ lao sở thương, https://tamthanhdichhocduong.com/ngu-lao-so-thuong/