Trong các loại thảo dược giúp sáng mắt, chữa nhức mỏi mắt thì câu kỷ tử là loại dễ dùng và cho hiệu quả rõ nhất.
Với những người cận thị, hay làm việc với máy tính và điện thoại thì kỷ tử lại càng có ý nghĩa quan trọng.
Nội dung chính ⇒
Kỷ tử (quả câu kỷ) bổ mắt, giảm nhức mỏi mắt
Kỷ tử là vị thuốc bổ mắt nổi tiếng xưa nay, vì thế, nó còn được gọi là “minh mục tử” (nghĩa là “quả sáng mắt”). Theo Thần Nông bản thảo kinh, kỷ tử có tác dụng “tráng tinh ích thần” (vì thế có thể giúp sáng mắt và tăng cường tinh lực).
Do đó, với những người bị đau nhức mắt, hoa mắt, mỏi mắt, suy giảm thị lực hay bị tăng nhãn áp (do suy gan) thì dùng kỷ tử sẽ mang lại hiệu quả đáng kể.
Không chỉ thế, kỷ tử còn tốt cho bệnh nhân gan nhiễm mỡ, giúp răng nhanh mọc và xương chắc khỏe (nên có thể dùng cho trẻ em với liều phù hợp).
Có nhiều cách dùng kỷ tử như làm thành phần món ăn (gà hầm kỷ tử, chè dưỡng nhan, rau câu…), ngâm rượu, hãm trà… Tuy nhiên, cách dùng phổ biến và tiện dụng nhất vẫn là cho kỷ tử vào nước nóng, đợi nước ấm lại và uống như trà (ăn luôn cái).
Trên thực tế, có người còn dùng kỷ tử bằng cách nhai ăn trực tiếp. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, nhai ăn trực tiếp kỷ tử thường dẫn đến tiêu chảy. Vì vậy, cách tốt nhất và tiện lợi nhất vẫn là hãm uống như trà.
Mùi vị: Nhìn chung, kỷ tử là vị thuốc dễ uống, có vị ngọt và mùi thơm nhẹ. Tuy nhiên, với những người chưa quen thì lại thấy kỷ tử hơi tanh.
Liều lượng: Mỗi lần uống 15 trái kỷ tử, ngày uống 1 hoặc 2 lần.
Lưu ý liều lượng: Không nên lạm dụng kỷ tử để tránh gây hại cho hệ tiêu hóa và các tác dụng phụ khác. Khi thấy hết mỏi mắt, bạn có thể ngưng và khi nào có dấu hiệu mỏi thì dùng lại.
Nếu muốn dùng đều đặn để dưỡng mắt và ngăn ngừa mỏi mắt, bạn có thể uống cách ngày (theo kinh nghiệm cá nhân thì cách hai hoặc ba ngày uống kỷ tử một lần sẽ giúp đỡ mỏi mắt rất nhiều).
Lưu ý khi mua: Khi mua kỷ tử, bạn nên chọn chỗ mua uy tín vì đây là loại thảo dược dễ bị nấm mốc.
Gợi ý kết hợp: Nếu có nụ cúc, táo đỏ và nhãn nhục, bạn có thể cho mỗi loại 3 hoặc 4 nụ (trái), cho vào ly cùng với kỷ tử để hãm uống, như thế thì ly trà của bạn sẽ rất bổ dưỡng, thơm ngon.
Câu kỷ tử bổ dưỡng, kéo dài tuổi thọ
Từ xưa, kỷ tử đã được biết đến là vị thuốc bổ giúp kéo dài tuổi thọ. Nhiều danh y Trung Quốc như Tôn Tư Mạc, Đào Hoằng Cảnh, Cát Hồng… đều từng uống rượu kỷ tử để tăng cường sức khỏe và kéo dài tuổi thọ.
Không chỉ thế, kỷ tử nấu với ngân nhĩ (nấm tuyết) còn là món ăn tẩm bổ hiệu quả cho người suy nhược (do làm việc và lao tâm lao lực quá nhiều). Các tể tướng trong lịch sử Trung Quốc như Phòng Huyền Linh (nổi tiếng là mưu sĩ) và Đỗ Như Hối (cũng là một mưu thần) nhờ dùng món canh này mà “tinh lực được kiện toàn, thân thể trở nên cường tráng“.
Câu kỷ tử tăng cường sinh lý
Người Trung Quốc còn truyền nhau nhiều câu chuyện dân gian về công dụng của kỷ tử, trong đó có câu chuyện huyền thoại sau:
Có một ông lão kia, một ngày nọ gặp được Xích Cước đại tiên và được dạy cho cách dùng kỷ tử để bồi bổ. Nhờ dùng vị thuốc này, chức năng sinh lý của ông lão được tăng cường và khỏe như trai tráng.
Về vị thuốc kỷ tử, kỷ tử là thuốc gì?
Kỷ tử, hay còn gọi là câu kỷ tử, minh mục tử, cẩu kỷ tử… là quả của cây câu kỷ, hay còn gọi là cây khổ kỷ, cây địa cốt, cây tây vương mẫu trượng, cây thiên tinh, cây tiên nhân trượng…
Quả câu kỷ khi chín có màu đỏ, thuộc dạng quả mọng, thuôn tròn và nhẵn bóng, chứa nhiều hạt bên trong. Có nhiều loại kỷ tử nhưng nhìn chung, khi dùng làm thuốc, ta chọn loại quả to, màu tươi, thịt dày và hạt to.
Thông tin thêm: những điều cơ bản giúp bảo vệ mắt
Để bảo vệ mắt, ngoài việc ăn rau xanh và uống kỷ tử bổ dưỡng, bạn cũng cần để cho mắt có thời gian nghỉ ngơi hợp lý. Nếu bạn thường xuyên làm việc với máy tính, hãy cố gắng cách 20 phút thì nhắm mắt một lần (vài giây) để mắt thư giãn. Đồng thời, bạn cũng nên thay đổi các đối tượng nhìn, tránh tập trung vào một đối tượng quá lâu.
Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng phương pháp “diện chẩn” để dưỡng mắt khỏe, đó là lấy hai bàn tay chà xát vào nhau cho nóng lên rồi áp lên mắt, sau đó kéo từ từ ra đuôi mắt và làm lại 12 lần như thế mỗi ngày.
Facebook Cây hoa lá: https://www.facebook.com/cayhoalacom
Tư liệu tổng hợp
- Đào Ẩn Tích (Chu Tước Nhi dịch), Thần nông bản thảo kinh, NXB Hồng Đức, trang 154.
Xem thêm: Đại táo có công dụng gì?