Bài viết gồm 4 ý: Thời gian qua là mãi mãi mất đi (1); hạnh phúc là vui trong hoàn cảnh sống (2); sống bình phàm hay phi thường (3); lập nghiệp ở phố hay ở quê (4)?
Nội dung chính ⇒
1. Thời gian qua là mãi mãi mất đi
Người ta thường nói “ngày này năm trước” nhưng thực ra, thời gian làm gì có sự tuần hoàn.
Ngày hôm qua đã qua là mãi mãi mất đi.
Bạn nói xuân – hạ – thu – đông, bốn mùa chẳng phải vẫn trở lại hay sao?
Bạn nói hoa rụng rồi hoa nở, vạn vật chẳng phải cứ thế tiếp diễn hay sao?
Thật ra, cái mà chúng ta gọi là mùa xuân năm trước, mùa hoa năm trước… tất cả chỉ là để định danh thời gian, để kỷ niệm mà thôi.
Chồi lá hôm nay đã già hơn hôm qua. Hoa mai năm nay cũng vàng nhưng đã không còn là quang cảnh của năm trước nữa.
Từ trước công nguyên, hai triết gia nổi tiếng của phương Đông và phương Tây cũng từng ví von sự nghiệt ngã của dòng chảy thời gian.
Khổng Tử nhìn dòng sông mà thốt lên: Than ôi, nó cứ chảy như thế bất kể ngày đêm! còn Hêraclit thì nói: Không ai tắm hai lần trên một dòng sông.
Vâng, cũng là dòng sông ấy nhưng một giây trôi qua thì nó đã khác.
Cho nên, nhận ra thời gian trôi đi không trở lại là để chúng ta trân quý hiện tại hơn vì hiện tại (present) là một món quà.
2. Hạnh phúc là vui trong hoàn cảnh sống
Hôm qua đã qua rồi. Ngày mai thì chưa tới. Chỉ có hiện tại mới là giờ phút ta có mặt.
Cho nên, hãy thấy biết ơn vì trong giây phút này đây, bạn còn được sống, còn được yêu thương, giận hờn, bất an, áp lực…
Cho nên, những lúc tâm trạng không tốt, bạn hãy tự hỏi: năm năm sau, liệu mình có còn buồn phiền vì những chuyện của hôm nay không?
Chuyện đã qua, nếu bạn cứ cố gắng giữ lấy thì bạn sẽ vuột mất hiện tại. Hiện tại là giờ phút bạn có mặt, nếu bạn còn không biết trân quý thì bạn có tư cách gì để có được tương lai, trong khi quá khứ thì đã mất rồi!
Cho nên, hạnh phúc, không gì khác hơn chính là vui trong hoàn cảnh sống!
Thiếu thốn vui trong cảnh thiếu thốn, đầy đủ vui trong cảnh đầy đủ. Những điều tưởng chừng đơn giản như vậy nhưng thật ra không phải ai cũng làm được.
Vất vả cả một kiếp người, cuối cùng, điều trăn trở lớn nhất của mỗi người là ta đã sống hạnh phúc chưa?
Điều ta mong mỏi nhất là gì, đã thực hiện được chưa?
3. Sống bình phàm hay phi thường?
Tôi từng thấy một người ở địa vị ngất ngưởng nhưng từ sáng đến tối đều phải vùi đầu vào công việc và các mối quan hệ, về đến nhà là nằm dài lim dim, không thấy được giò phong lan đang nở đẹp.
Tôi cũng thấy những người nông dân lam lũ vui trong mùa lúa mới, ban ngày làm việc vừa đủ, buổi chiều vui đùa cùng đàn con, chuyện trò cùng hàng xóm, đêm về yên giấc ngủ ngon!
Thật ra, cuộc sống không hề khó khăn như chúng ta vẫn nghĩ. Chúng ta ăn không tốn bao nhiêu, mặc cũng không cần nhiều bao nhiêu.
Nếu bạn thích công danh sự nghiệp để giúp đời, bạn có quyền phấn đấu mà vẫn dành thời gian cho những thứ khiến bạn hạnh phúc.
Thành đạt không được đo bằng tiền mà đo bằng cảm xúc hạnh phúc và khả năng cống hiến.
Nếu bạn muốn sống một cuộc sống bình thường, bạn có quyền đi một con đường khác hơn – con đường phù hợp với năng lực và ước muốn của bạn.
Ngoài kia, người ta có cười chê hay khinh thường thế nào thì cũng hãy mặc kệ. Bởi vì giây phút này, bạn tha thiết yêu thương cảm xúc của mình hơn. Bạn biết bạn chỉ sống có một lần thôi, cho nên phải sống sao cho mãn nguyện kiếp nhân sinh ngắn ngủi!
4. Lập nghiệp ở phố hay ở quê?
Tôi nghe nhiều người bảo rằng: Đi học xong, ra trường rồi thì hãy lên thành phố mà làm. Ở đó môi trường tốt, năng động và nhiều cơ hội.
Thế nhưng, tôi cũng nghe có người khuyên rằng: Nếu bạn thuộc tạng người không thích ồn ào phố thị thì cứ làm việc ở quê, chăm chỉ, nghiên cứu và cống hiến! Vì mấy năm ở thành phố, nó không đủ trải nghiệm để bạn thành công mà chỉ bào mòn thanh xuân của bạn thêm. Trong khi đó, nếu thích môi trường nông thôn, bạn hãy về và làm những điều mình thích.
Sau khi ra trường, tôi đã chứng kiến muôn vạn ngã rẽ của bạn bè mình và nhận ra rằng: có những đứa thích nghi rất nhanh với môi trường thành phố và nhanh chóng thành đạt ở đó, vì tạng người của nó hợp với cuộc sống ấy. Thế nhưng, cũng có những đứa hai năm, ba năm làm việc ở thành phố, quay trở về, nó vẫn như vậy, chỉ có sức khỏe tiều tụy hơn xưa!
Thật ra, ngồi máy tính làm việc hay ra đồng làm việc, giá trị đều ngang nhau. Cảm xúc hạnh phúc hay áp lực mà nó mang lại, cũng ngang nhau.
Cho nên, trước khi muốn cải biến số phận, bạn hãy hiểu rõ chính mình. Hãy nhớ rằng mình sẽ chết để biết rằng điều gì là điều mình muốn có được nhất!
Chúc bạn không vì cái nhìn của người đời mà làm những điều bản thân không thích.
Chúc bạn hiểu được bản thân muốn sống cuộc sống thế nào nhất, và phấn đấu, nỗ lực để có được cuộc sống ấy!
Thân,
Xem thêm: “Ngũ lao, thất thương” là gì mà người xưa khuyên ta phải tránh?