Chè dưỡng nhan là thức uống khá nổi tiếng hiện nay. Vậy, nó có công dụng gì, cách nấu như thế nào và có phải ai cũng có thể dùng?
Hãy cùng mình tìm hiểu loại chè này nhé!

Nội dung chính ⇒
Chè dưỡng nhan là gì?
Chè dưỡng nhan là một loại chè được nấu từ các loại hạt, trái cây và thảo dược. Hình thức của nó thì trông như sâm bổ lượng nhưng đặc hơn và nhiều thành phần hơn.
Chè dưỡng nhan có tác dụng gì?
Công dụng nổi trội nhất của chè dưỡng nhan là:
- Bổ mát.
- Nhuận tràng, chống táo bón.
- Dưỡng da dẻ tươi nhuận (đúng như tên gọi của nó).
Vì vậy, các chị em phụ nữ rất thích loại chè này vì nó vừa đẹp mắt, vừa ngon ngọt lại giúp đẹp da.

Chè dưỡng nhan ăn nhiều có tốt không?
Mỗi ngày, mỗi người chỉ nên ăn 1 chén (1 ly) trở lại và mỗi tuần chỉ nên ăn 2 hoặc 3 lần. Nếu lạm dụng chè này thì bạn sẽ bị các tác dụng phụ như tiêu chảy, mất cân bằng Âm – Dương, rối loạn tiêu hóa…
Ai không nên ăn chè dưỡng nhan, bà bầu ăn được không?
- Phụ nữ mang thai không nên ăn (nhất là mang thai 3 tháng đầu).
- Trẻ em dưới 12 tuổi không nên ăn.
- Người đang bị bệnh (bệnh thận, tiêu chảy…), người vừa mới khỏi bệnh hoặc cơ thể yếu, hệ tiêu hóa yếu cũng không nên ăn.
- Chè này có tính mát nên hợp với những người bị nóng trong người. Tuy nhiên, với những người thể tạng hư hàn, hay ớn lạnh, sợ lạnh, tay chân lạnh, hay bị lạnh bụng… thì không nên ăn.

Chè dưỡng nhan mua ở đâu, giá bao nhiêu?
Bạn nên mua nguyên liệu nấu chè dưỡng nhan ở các tiệm thuốc Bắc để được an tâm hơn (hoặc mua ở các nhà thuốc có bán loại chè này). Giá của gói nguyên liệu nấu chè dưỡng nhan thường dao động từ 70 – 120 ngàn (tùy theo thành phần).
Và nếu mua trên mạng thì bạn cần chọn nơi uy tín. Theo mình được biết thì rất nhiều trang mạng bán chè dưỡng nhan kém chất lượng, nguyên liệu xuất xứ không rõ ràng, không đảm bảo (ví dụ như táo đỏ vốn có vị ngọt nhưng mua trên mạng thì lại bị đắng, các thành phần khác cũng có mùi kỳ lạ, chất lượng kém…).
Thành phần chè dưỡng nhan gồm những gì?
Công thức nấu chè dưỡng nhan rất đa dạng nhưng thường là từ 8 – 13 thành phần.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của mình thì bạn nên tránh các nguyên liệu sau đây:
- Nên tránh Nhựa đào: Nhựa đào có màu vàng nâu đẹp mắt nhưng ăn không ngon, nếu dùng quá liều sẽ gây ngộ độc và công dụng của nó cũng không nổi trội như những lời đồn thổi trên mạng. Trong y học cổ truyền, nhựa đào được dùng điều trị một số bệnh nhưng với liều rất thấp và có sự theo dõi của thầy thuốc. Hơn nữa, nhựa đào cũng không hợp với bà bầu, người già, trẻ nhỏ và người đang yếu bệnh. Nếu dùng lâu dài, nó có thể tích tụ độc tính và làm hại sức khỏe người dùng.
- Nên tránh Kỷ tử và Đông trùng hạ thảo nếu bạn chưa từng dùng qua hai loại này. Thật ra, hai loại này khá ngon và tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, có nhiều người ăn không quen nên thấy nó tanh.
Như vậy, thành phần nguyên liệu phổ biến của chè dưỡng nhan thường gồm các vị sau:
- Tuyết yến: 10 g (nếu không dùng tuyết yến thì dùng mủ trôm cũng được).
- Bồ mễ (hay còn gọi là Tuyết liên tử): 10 g
- Nhãn nhục: 10 g
- Táo đỏ: 20 – 30 g (hoặc hơn, tùy sở thích của bạn, nhớ móc bỏ hạt nhé).
- Hạt chia: 5 g.
- Hạt sen khô (đã móc bỏ tim sen): 20 g.
- Nho khô: 20 g.
- Nấm tuyết (hay còn gọi là mộc nhĩ trắng, bông đá): nửa cái.
- Đường phèn (lượng vừa đủ tùy theo sở thích).
- 2 lá dứa tươi hoặc khô (hay còn gọi là lá nếp thơm, có mùi thơm dễ chịu). Nếu không có lá dứa thì khỏi dùng cũng được vì nó chủ yếu để tạo hương thơm. Theo kinh nghiệm của mình, dù không dùng lá dứa thì món chè vẫn có hương thơm riêng của nó.
Ghi chú: Nếu không đủ các vị trên thì ít hơn cũng được, tầm 7 – 8 vị là bạn có thể nấu.
Cách nấu chè dưỡng nhan tại nhà
Ở đây mình sẽ hướng dẫn cách nấu đơn giản nhất nhé!
Ngâm trước một số nguyên liệu như:
- Tuyết yến, bồ mễ (ngâm trước 10 – 12 tiếng cho nở hết ra).
- Nấm tuyết, hạt sen (ngâm trước 1 – 2 tiếng cho nấm tuyết nở ra, hạt sen mềm hơn).
- Hạt chia (ngâm trước 1 tiếng cho nở đều).
Lưu ý: Ngâm với nước lã thông thường (nước sạch) và ngâm riêng từng loại nhé!
Bắt đầu nấu
- Đầu tiên, bạn vớt nấm tuyết ra, cắt nhỏ, cho vào nồi. Với hạt sen, bạn cũng vớt ra, cho vào nồi. Với táo đỏ, bạn rửa sơ với nước rồi cũng cho vào nồi.
- Đổ nước vào cho ngập các nguyên liệu trên (ngập hơn 2 lóng tay, trong lúc nấu nếu thấy đặc quá thì đổ nước thêm), nấu cho sôi và để sôi như thế khoảng 15 – 20 phút (cho đến khi hạt sen chín mềm).
- Tiếp theo, bạn cho tuyết yến (hoặc mủ trôm), bồ mễ, nhãn nhục, nho khô và lá dứa vào (nếu có), nấu cho sôi và để sôi như thế 10 phút thì tắt bếp.
- Sau khi tắt bếp, bạn cho đường phèn và hạt chia vào (hạt chia đã ngâm nở trong ly, bạn đổ hết vào nồi, khuấy đều là được).
Ghi chú: Nếu bạn thích dùng kỷ tử thì cho vào sau khi tắt bếp (nồi chè còn nóng). Nếu bạn thích dùng đông trùng hạ thảo thì cho vào cùng lúc với nhãn nhục, kho khô… (tức trước khi tắt bếp 10 phút).
Chè dưỡng nhan nên ăn nóng hay lạnh?
Với chè dưỡng nhan, bạn ăn lúc còn ấm nóng cũng ngon mà ăn lạnh (để trong ngăn mát tủ lạnh hoặc thêm nước đá) cũng ngon.
Tuy nhiên, các chị em phụ nữ thì thích ăn lạnh hơn vì nó tạo cảm giác thanh mát hơn, ngon hơn.
Chè dưỡng nhan bảo quản được bao lâu?
Sau khi nấu, bạn để nguội rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh thì có thể ăn trong 2 ngày (thực tế có thể để lâu hơn nhưng chè sẽ dễ bị biến chất, ôi thiu và gây hại cho sức khỏe).
Thường thì một nồi chè như thế sẽ đủ cho cả nhà 6 – 7 người ăn trong 2 ngày đấy!
Lưu ý khi dùng chè dưỡng nhan
Trên mạng có nhiều đồn thổi về những tác dụng của loại chè này. Tuy nhiên, bạn chỉ nên xem nó như một loại chè bồi bổ, giúp thanh mát và nhuận nhan sắc (nhờ công dụng của các thành phần trong chè).
Vì vậy, bạn chỉ nên dùng với lượng vừa phải vì dùng quá nhiều sẽ gây tác dụng ngược, làm hại cơ thể thêm (không ăn liên tục quá 1 tuần).
Hơn nữa, rất nhiều người nhập nguyên liệu từ Trung Quốc về bán và dạng này thường có chất lượng kém, thậm chí gây hại sức khỏe. Vì vậy, bạn nên mua chỗ uy tín nhé!
Nếu bạn muốn mua nguyên liệu chè dưỡng nhan do chúng mình bán thì có thể đặt mua Tại đây
Xem thêm: Món ăn “dược thiện” 3 thành phần giúp đẹp da, bổ máu, ích khí, sinh tân