Có những loài cây mà cái tên của nó rất gợi tưởng, chẳng hạn như cây cỏ vùi đầu.
Không biết có phải vì cụm hoa của nó mọc trên một cái cán dẹt, cong đầu xuống đất nên người ta gọi nó là cỏ vùi đầu không?
Thế nhưng, dù được gọi là gì thì trong y học cổ truyền, loài cây này cũng có vị trí riêng của nó – một loại cây có thân rễ làm dược liệu.
Vậy, nó có công dụng gì và cách dùng như thế nào?
Vài nét về cỏ vùi đầu (hồi đầu)
Cỏ vùi đầu có tên khoa học là Tacca plantaginea, thuộc họ Râu hùm.
Ngoài tên gọi này, cây còn được gọi bằng nhiều tên khác như: cỏ vùi sầu, cỏ hồi đầu, vùi đầu thảo, thủy điền thất… (1).

Đặc điểm:
- Cây thuộc dạng thân thảo, thấp và có thân rễ phình to thành củ tròn tròn.
- Lá mọc từ thân rễ và phiến lá xanh nhẵn, hơi lượn sóng.
- Hoa của cây mọc thành cụm hình tán và có màu tím.
- Quả thuộc dạng quả nang nhưng ở đỉnh thì nở không đều, chứa các hạt màu nâu.
Thường thì người ta tìm thấy cỏ vùi đầu trong rừng hay ven suối (ở các tỉnh phía Bắc).
Công dụng làm thuốc của cỏ vùi đầu (hồi đầu)
Như đã nói, phần thân rễ của cây cỏ vùi đầu (tròn tròn như củ) chính là bộ phận được dùng làm thuốc chủ yếu của cây này. Đặc biệt, phần thân rễ này thường ngóc đầu lên rồi mọc thành cây (cho nên được gọi là “hồi đầu”).

Ở dạng tươi, thân rễ cỏ vùi đầu có ruột màu vàng nhạt và có mùi hơi hăng như củ nghệ. Ở dạng khô, nó có màu be nhạt và có mùi thơm như tam thất (không còn hăng).
Theo y học cổ truyền, vị thuốc hồi đầu (thân rễ dạng củ của cây cỏ vùi đầu) có vị đắng the, tính bình và có nhiều công dụng như:
- Bổ máu (thay cũ đổi mới), mát máu.
- Thông kinh bế, làm tan máu ứ và điều hòa kinh nguyệt.
- Giúp tiêu sưng, tiêu thũng.
- Giúp nhuận tràng, điều trị tiêu hóa kém và đau bụng.
- Giúp lợi mật, điều trị vàng da do viêm gan siêu vi trùng.
- Điều trị suy nhược thần kinh, đau dây thần kinh tọa.
- Điều trị cao huyết áp.
- Điều trị thấp khớp.
- Điều trị sốt bại liệt ở trẻ nhỏ.
Cách dùng: mỗi ngày, sắc uống từ 6 – 12 g dược liệu dạng khô (khi mua ở các tiệm thuốc Bắc, bạn nên hỏi thầy thuốc xem có cần ủ mềm, tẩm gừng, sao vàng không nhé!) (2).
Các bài thuốc kết hợp
1. Điều trị cao huyết áp (ở phụ nữ)
- Chuẩn bị: 20 g hồi đầu và 18 g hương phụ tứ chế.
- Thực hiện: lấy 2 vị thuốc trên nấu với 300 ml nước, sắc cho nước rút còn 200 ml thì chia ra 3 lần uống trong ngày (2).
2. Điều trị khó tiêu, viêm tá tràng, đau tức vùng thượng vị, đau dạ dày, đại tiện phân cứng và viêm gan mạn tính
- Chuẩn bị: bột hồi đầu.
- Thực hiện: mỗi ngày, lấy 6 – 10 g bột này, hòa với nước uống theo hướng dẫn của thầy thuốc.
- Lưu ý: Khi dùng thuốc này thì không được dùng rượu và giấm (2).
3. Điều trị đau bụng do bế kinh
- Chuẩn bị: bột hồi đầu (100 g) và rượu 40 độ (300 ml rượu).
- Thực hiện: cho bột vào ngâm rượu rồi chắt lấy nước, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần uống 20 ml rượu thuốc (2).
4. Điều trị máu kinh ít và xấu (màu đỏ nhạt, lởn vởn), đau bụng kinh
- Chuẩn bị: hồi đầu (lượng vừa đủ số lần muốn dùng).
- Thực hiện: tán thành bột rồi lấy 10 g uống mỗi ngày, uống liên tục 10 ngày.
- Lưu ý thời điểm uống: kể từ ngày có kinh nguyệt thì 14 ngày sau bắt đầu uống, uống liên tục 10 ngày thì ngưng. Qua tháng sau, nếu thấy kinh tốt lại thì ngưng, nếu chưa tốt thì uống thêm đợt nữa (cũng sau khi có kinh 14 ngày) (2).
Xem thêm: Công dụng làm thuốc của cây hoa quỳnh
Tư liệu tổng hợp
- Hồi đầu, https://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%93i_%C4%91%E1%BA%A7u, ngày truy cập: 24/ 06/ 2021.
- Võ Văn Chi, Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 1, NXB Y học, HN, 2018, trang 1141.