So với một số trái cây khác thì quả dâu tây đặc biệt hơn ở chỗ bạn có thể ăn tươi với mục đích chữa bệnh.
Nội dung chính ⇒
Dâu tây chứa các chất dinh dưỡng nào?
Dâu tây là quả của nhiều loài cùng chi Fragaria và có nhiều màu khác nhau như đỏ, trắng, vàng…(1). Trong dâu tây có rất nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể.

Chẳng hạn, với quả dâu tây màu đỏ, có thể kể đến các vitamin như A, C, B1, B2, B3, B5, B6, B7, B9… và các khoáng chất như Canxi, Đồng, Phốt pho, Sắt, Kẽm, Natri, Kali (2).

Ăn quả dâu tây có tác dụng gì?
Quả dâu tây có vị ngọt chua, tính mát và mang lại nhiều giá trị cho sức khỏe cũng như làm đẹp. Với dâu tây, bạn có thể ăn tươi hay làm sinh tố đều được.
Nếu ăn thường xuyên, quả dâu tây sẽ mang đến các lợi ích như:
- Giảm ho khan, nhuận phổi.
- Đẹp da, trắng răng.
- Giúp dễ tiêu hóa, giảm táo bón, trĩ.
- Giúp lợi tiểu, hạ huyết áp.
- Giúp sáng mắt, dưỡng gan, giảm mụn nhọt.
- Giảm chảy máu chân răng.
- Tốt cho người bị mỡ máu cao.
- Giúp kháng độc, ngừa ung thư.
- Ngăn ngừa xơ cứng động mạch.
- Ngăn ngừa xuất huyết não.
- Hỗ trợ điều trị máu trắng và thiếu máu.
Ngoài ra, có kể kể đến một số bài thuốc cụ thể sau đây:
1. Dâu tây chữa ho khan lâu ngày không dứt
Nếu bị ho khan lâu ngày không dứt, bạn có thể lấy 75 g quả dâu tây tươi và 50 g đường phèn, cùng cho vào tô sứ, thêm một chén nước rồi đậy nắp lại và đem chưng cách thủy để ăn, mỗi ngày có thể ăn một hoặc hai lần (2).
2. Dâu tây chữa cao huyết áp và mặt nổi mụn nước
Lấy 150 g dâu tây và 150 ml nước sôi để nguội, xay nát bằng máy say sinh tố rồi cho thêm 40 g mật ong vào, khấy đều rồi uống (2).
Khi dùng dâu tây cần lưu ý điều gì?
1. Mỗi người chỉ nên dùng từ 50 – 150 g dâu tây mỗi ngày để tránh gây áp lực cho dạ dày.
2. Nên ăn dâu tây sau bữa ăn từ nửa tiếng trở lên để giúp giảm cân hiệu quả hơn.
3. Người bị các chứng hư hàn, tiêu chảy không nên dùng dâu tây.
Xem thêm: Cách ăn và dùng quả thị làm thuốc chữa bệnh
***
Người ta nói dâu tây là loại quả tượng trưng cho tình yêu vì nhìn thì hấp dẫn, thèm thuồng, khi cắn vào thì lại vừa chua vừa ngọt. Thế là, ăn thì không ngon như ý nhưng nhả bỏ thì lại tiếc vì nó thơm. Chỉ có những quả dâu tây chín muồi, không bị giập nát, vừa đủ để vị ngọt lấn át vị chua, để chỉ còn một chút chua nhẹ thì ăn vào mới ngon. Bởi lẽ, nếu chỉ có ngọt không thì sẽ rất mau ngán. Có ngọt có chua mới khiến cho người ta càng ăn càng ghiền.
Với mình thì quả dâu tây thực tế hơn. Nó có màu đỏ nên thu hút ánh nhìn. Vì vậy, thái lát mỏng rồi trang trí cho các món ăn thì tuyệt vời. Hơn nữa, ăn dâu tây còn tốt cho da và giúp sáng mắt. Vì vậy, mình xem dâu tây như một loại trái cây làm đẹp. Thỉnh thoảng, mình còn lấy một ít, giã nát ra rồi thoa lên da để làm mặt nạ giúp da sạch hơn.
Nhìn chung, khi ăn dâu tây, mình có cảm giác nó không gây nóng trong người và nếu ăn một lượng vừa phải, thường xuyên thì sẽ giúp cho da khỏe hơn, ít bị mụn hơn.
Tuy nhiên, giá dâu tây khá cao, vận chuyển từ Đà Lạt vào Nam đôi khi dễ bị giập úng. Vì vậy, đây cũng là điều khiến cho các bạn nữ như mình ít có dâu tây để dùng.
Hiện nay, cây dâu tây được bán trên mạng khá nhiều và có người đã trồng được ở miền Nam. Tuy nhiên, lần trước mình mua trồng thì cây bị chết (có lẽ do mình chở trên xe, xốc xốc nên cây con bị yếu).
Còn bạn, bạn thấy dâu tây thế nào? Bạn đã trồng thành công loại cây đặc biệt này chưa?
Tư liệu tham khảo
- Dâu tây có tác dụng gì, https://vi.wikipedia.org/wiki/D%C3%A2u_t%C3%A2y
- Vương Ngọc Điển, Trái cây chữa bệnh, NXB Phụ nữ, trang 51.