Rau húng quế có phần ngọn rất thơm nên hay được dùng trong ẩm thực. Tuy nhiên, cũng chính vì thế mà người ta quên đi công dụng làm thuốc của nó (cả lá và hạt).
Nội dung chính ⇒
Tác dụng của lá và hạt rau húng quế
Thông thường, ở miền quê, khi những đứa trẻ bị đầy bụng, khó tiêu mà không tiện mua thuốc, các bà mẹ thường bắt chúng nhai sống một ít lá quế rồi nuốt lấy nước cho dễ tiêu hơn.
Mình cũng đã nhiều lần dùng rau quế để nấu mì, ăn bún. Thật vậy, phở có ngò gai, búng thì có quế. Có thêm rau quế, tô bún mới thơm ngon, mới đúng điệu của nó!
Lá rau quế không cay, không nhám như rau thơm mà trơn nhẵn và the dịu. Được biết, trong ẩm thực, việc kết hợp một vài ngọn rau quế không chỉ nhằm trang trí, làm bật lên hương vị của món ăn mà còn giúp dễ tiêu và làm giảm hôi miệng (nhờ mùi hương của nó).
Về hạt rau quế, nó nhỏ như hạt é và khi ngâm nước cũng nở như hạt é vậy. Tuy nhiên, nước ngâm của nó sẽ có mùi của quế nên hơi khó uống hơn hạt é. Theo y học cổ truyền, mỗi ngày uống từ 6 – 12 g hạt quế ngâm nước sẽ giúp nhuận tràng, làm mát cơ thể (lưu ý phải đợi hạt nở hết thì mới uống) (1) (2).
Lá rau quế (húng quế) có tác dụng gì, chữa bệnh gì?
Trong cây húng quế có chứa tinh dầu thơm. Vì vậy, nhiều nơi đã trồng húng quế trên diện rộng để làm nguyên liệu chưng cất tinh dầu.
Theo y học cổ truyền, lá húng quế tươi không chỉ giúp ra mồ hôi mà còn làm tan máu ứ. Do đó, nếu bị bầm tím do té ngã, bạn có thể lấy một ít lá quế tươi (khoảng 20 g), giã nát, ép lấy nước rồi pha với một ít nước nóng và uống lúc còn ấm. Bằng cách này, lá húng quế cũng giúp điều trị viêm họng và khó tiêu (1) (2).
Ăn nhiều rau quế có tốt không?
Không chỉ rau quế mà các loại rau củ quả khác, khi ăn quá mức cũng đều không tốt. Nếu dùng quá mức rau húng quế, cơ thể có thể bị hạ đường huyết không mong muốn và thậm chí là ngộ độc, gây chóng mặt, buồn nôn, ảnh hưởng đến hệ thần kinh (4).
Rau húng quế và các bài thuốc chữa bệnh
1. Rau húng quế chữa chứng bồn chồn, đau đầu, ho và viêm họng
Lấy khoảng 2o g lá và hoa húng quế khô, đem hãm trong 1 lít nước sôi rồi chia ra uống trong ngày (3).
2. Rau húng quế giúp lợi sữa
Hái một nắm lá rau húng quế tươi, rửa sạch, nấu trong 1 lít nước, đợi đến khi nước sắc còn 2 ly thì tắt bếp và chia ra uống nhiều lần trong ngày (lưu ý, bài thuốc này chỉ dành cho phụ nữ đang cho con bú, với phụ nữ mang thai thì không nên dùng) (3).
3. Hạt húng quế điều trị đau mắt, mờ đục giác mạc
Lấy 2, 5 – 5 g hạt húng quế, sắc uống mỗi ngày (3).
4. Cây và lá húng quế điều trị nhiều bệnh thường gặp
Cây và lá rau quế có thể điều trị một số bệnh thường gặp như: sổ mũi, đau dạ dày, đầy bụng, đau đầu, kém tiêu hóa, viêm ruột, tiêu chảy, kinh nguyệt không đều. Cách dùng: sắc lấy nước uống, mỗi ngày từ 10 – 15 g (3).
Lưu ý khi dùng
1. Ở miền Nam, rau húng lủi cũng được gọi là húng giổi (trùng tên với húng quế). Vì vậy, cần tránh nhầm lẫn khi dùng làm thuốc.
2. Tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi dùng rau húng quế chữa bệnh.
Xem thêm: Rau húng chanh trị bệnh gì?
Tư liệu tổng hợp
- Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 1, NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 2004, trang 1011.
- Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nxb Y học, 1999, trang 659.
- Võ Văn Chi, Cây thuốc An Giang, Ủy ban Khoa học và kỹ thuật An Giang, 1991, trang 289.
- Ăn nhiều rau húng quế có tốt không?, https://vtc.vn/suc-khoe/tac-dung-phu-dang-so-cua-rau-hung-que-voi-co-the-ar270113.html.