“Chiên đàn thụ” của Miên Thẩm là bài thơ có nhiều cách hiểu, tuy nhiên, các bản dịch hiện tại vẫn còn chỗ tối nghĩa!
Vậy, nên dịch bài thơ như thế nào cho gần với tâm ý tác giả nhất?
Nguyên văn bài thơ như sau:
“Tuyệt hảo chiên đàn thụ
Phồn hương quýnh bất quần
Hận cừ thiên tính biệt
Chỉ tại nghịch phong văn” (1).
(Tác giả: Nguyễn Phúc Miên Thẩm – con trai thứ 10 của vua Minh Mạng, thụy hiệu: Tùng Thiện Vương)

Có thể thấy, các bản dịch hiện hành của bài thơ trên còn gây khó hiểu, nhất là ở câu thơ cuối “Chỉ tại nghịch phong văn” – đa phần đều được dịch thành “ngược chiều gió mới nghe thấy hết hương sâu”, chẳng hạn như bản dịch này:
“Cây đàn hương rất tuyệt
Mùi thơm thật khác thường
Hận y tính cá biệt
Ngược gió mới nồng hương.”
Ngược gió mới nồng hương? Đây rõ ràng là một câu tối nghĩa!
Xưa nay, chỉ có chim bay ngược gió còn hương thơm thì phải nương theo gió mà lan tỏa.
Như vậy, phải hiểu câu thơ trên như thế nào cho đúng – hay nếu không đúng thì cũng tránh được sự tối nghĩa?
***
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết trong Kinh Pháp Cú có đoạn như sau:
“Hương của các loài hoa chiên đàn, đa-già-la hay mạt lỵ đều không thể bay ngược gió, chỉ có mùi hương đức hạnh của người chân chính, tuy ngược gió vẫn bay khắp muôn phương” (2).
Thì ra là đây, cái ý “ngược gió mới nồng hương” không sai nhưng nên hiểu nó theo nguyên lý nhà Phật. Theo đó, mùi hương ngược gió là mùi hương của đức hạnh.
Vì sao như vậy?
Người chân chính, trau dồi đức hạnh thì họ biết khép mình khiêm cung, không tranh đua danh lợi như bao kẻ khác. Chính vì thế mà so về tài kinh lịch đời, họ không được bằng người khác (trong bài thơ có câu “Hận cừ thiên tính biệt”, nghĩa là: Hận làm sao đã trót mang cái thiên tính không giống người ta).
Nếu so với cuộc đời Miên Thẩm, ta thấy ông xuất thân hoàng tộc (là cháu của vua Gia Long, là con của vua Minh Mạng và là chú của vua Tự Đức), suốt đời nguyện làm một bề tôi trung thành, cố gắng lánh xa chính trị để trở thành một nhà thơ cảm thông sâu sắc với nỗi khổ của nhân dân. Những bài thơ của ông cùng tập Thương Sơn thi thoại đều cho thấy tài năng, đức độ hơn người.
Như vậy, có thể dịch nghĩa bài thơ như sau:
Cây chiên đàn thật là tuyệt hảo.
Hương thơm cao sang, thuần chất của nó không thể xếp cùng những loài khác.
Chỉ hận đã trót mang thiên tính khác thường, không giống người ta.
Đó cũng bởi vì đã chọn con đường đức hạnh.
Nếu dịch thành thơ thì có thể dịch như sau:
Cây chiên đàn tuyệt hảo
Hương thơm hơn mọi loài
Hận vì thiên tính lạ
Chuộng đức hạnh mà thôi.
Bàn:
Phải chăng, hình tượng cây chiên đàn chính là Miên Thẩm tự thán về mình: tài năng, phẩm chất, quyền vị đều hơn người nhưng bởi chọn con đường đức hạnh, làm trung thần nên chưa một lần tự mình vùng vẫy?
Dẫu cho, đã bao lần, ông thao thức, dằn vặt trước nỗi khốn khổ của nhân dân…
– Tân Di –
Bạn nghĩ sao về vấn đề này? Hãy cho chúng tôi biết ở phần bình luận nhé!
Xem thêm các bài viết khác: