Lá lốt không lạ gì với chúng ta, nhất là món bò lá lốt (cả chay và mặn, cả nướng và chiên).
Hương thơm của loại lá này thật sự rất hấp dẫn phải không?
Trong y học cổ truyền, lá lốt còn là một vị thuốc quý, có thể điều trị được nhiều bệnh thường gặp trong cuộc sống hàng ngày.
Nội dung chính ⇒
Lá lốt có tác dụng gì trong Đông y?
Theo y học cổ truyền, lá lốt có vị cay, tính ấm và có nhiều công dụng quý như:
- Giúp tán hàn (làm tan khí lạnh), giảm lạnh tay chân.
- Giảm lạnh, làm ấm bụng, dễ tiêu.
- Điều trị nôn mửa, rối loạn tiêu hóa, sình bụng, đầy hơi.
- Giúp hạ khí (đưa khí đi xuống).
- Giảm đau, điều trị phong hàn thấp, tê bại.
- Điều trị thận lạnh, bàng quang lạnh.
- Giúp giảm nhức đầu và chảy nước mũi (có mùi hôi).
Cách dùng: mỗi ngày, mỗi người lấy từ 6 – 12 g lá lốt tươi, rửa sạch, cắt nhỏ rồi nấu lấy nước uống.
Các bài thuốc chữa bệnh có dùng lá lốt
Lá lốt còn được dân gian dùng kết hợp trong nhiều bài thuốc như:
1. Điều trị tê thấp, đau ngang lưng, tê buốt đôi bàn chân, có khi sưng đầu gối
Lấy 8 – 12 g dây và rễ cây lá lốt, nấu cùng 8 g củ cốt khí, 8 g rễ cây cỏ xước (hay còn gọi là rễ củ cây ngưu tất nam) và 8 g dây đau xương, sắc lấy nước uống. Đồng thời, hái thêm một lượng lá lốt và lá ngải cứu (với tỉ lệ bằng nhau), rửa sạch, giã nát, trộn thêm chút giấm rồi đem chưng cho ấm và đắp lên chỗ nhức.
2. Giúp sơ cứu rắn cắn và giải độc khoai mì (giải độc sắn)
Lấy 50 g lá lốt tươi, 50 g lá đậu ván trắng và 50 g lá khế, tất cả dùng tươi, giã nát, thêm nước rồi lược lấy nước ấy uống (sau đó đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị thêm).
3. Điều trị đau nhức xương khớp và đau thấp khớp
Lấy 20 g lá lốt, 10 g lá ngải cứu, 20 g cỏ xước (tức ngưu tất nam), 20 g cành dâu tằm và 20 g cà gai leo, tất cả cùng cắt ngắn, cho vào chảo, sao qua rồi nấu lấy nước uống (mỗi ngày uống một thang, uống liên tục từ 3 – 5 ngày).
4. Giúp giảm nhức răng
Lấy một ít rễ cây lá lốt (rễ tươi), rửa sạch bằng nước muối hoặc nước lã, sau đó giã nát cùng một ít muối và vắt lấy nước.
Tiếp theo, bạn lấy một ít bông gòn (hoặc tăm bông), tẩm nước thuốc ấy và nhét vào chỗ đau nhức, ngậm như thế.
Sau 5 phút, bạn nhả bỏ và súc miệng lại bằng nước muối là được (mỗi ngày bạn thực hiện 3 lần và thường thì sau 1 ngày là bớt đau rõ rệt).
5. Điều trị viêm da cơ địa
- Dùng ngoài da: Hái một nắm lá lốt tươi (lá vừa vừa, không già cũng không non), rửa sạch rồi cho vào nồi, đổ ba lít nước vào và nấu cho sôi. Khi thấy nước sôi, bạn tiếp tục nấu thêm mười phút nữa cho các hoạt chất tiết ra nhiều hơn, sau đó đổ nước ra thau, pha thêm nước cho ấm lại rồi ngâm mình trong nước ấy khoảng nửa tiếng (lấy lá lốt chà nhẹ lên những chỗ bị viêm ngứa, nổi mẩn…). Sau khi ngâm, bạn xối lại bằng nước sạch là được (mỗi ngày tắm 1 lần cho đến khi khỏi).
- Cách khác: Nếu không tiện ngâm tắm thì bạn có thể đắp trực tiếp lá lốt tươi lên những chỗ bị viêm da cơ địa (bằng cách giã nát 20 g lá lốt tươi cùng một muỗng nhỏ muối rồi đắp lên, sau hai mươi phút thì rửa sạch với nước). Cách này dùng cho trường hợp nhẹ với diện tích nhỏ.
- Dùng uống trong: Để hiệu quả cao hơn thì bạn nên kết hợp cả dùng ngoài da và uống nước lá lốt. Cách thực hiện như sau: lấy 30 g lá lốt tươi, rửa sạch, để ráo rồi cho vào chảo, sao qua sao lại cho lá lốt săn lại. Sau đó, bạn đổ nửa lít nước vào nồi, bỏ lá lốt ấy vào, nấu sôi và giữ sôi thêm mười lăm phút thì đổ nước thuốc ra tô cho tự nguội dần (chia thành ba lần uống trong ngày).
6. Điều trị Gút (Gout, thống phong)
Để điều trị Gút, bạn có thể uống nước đậu xanh rang (cách dùng Tại đây) hoặc trà nụ vối (cách dùng Tại đây).
Ngoài ra, dân gian cũng dùng lá lốt điều trị Gút hiệu quả. Cách dùng như sau:
Lấy 15 – 30 g lá lốt tươi (nếu dùng lá khô thì lấy khoảng 5 – 10 g), rửa sạch rồi nấu cùng hai chén nước cho đến khi nước rút còn một chén thì đổ ra, lược bỏ xác và chia nước thuốc ấy thành hai lần uống trong ngày (buổi sáng và buổi tối), để trong ngăn mát tủ lạnh và chỉ dùng trong ngày.
Bà bầu có ăn lá lốt được không?
Theo nguồn tin từ Đài truyền thanh TP HCM thì phụ nữ mang thai (có sức khỏe và tình trạng thai tốt) có thể dùng lá lốt để chế biến thành các món ăn nhằm thay đổi khẩu vị, tuy nhiên, chỉ nên ăn một ít và mỗi tuần chỉ cần ăn 1 – 2 lần là được.
Lưu ý:
- Với những bà bầu đang bị nóng trong người thì không nên ăn.
- Những bà bầu có tiền sử bị sảy thai, thai yếu, thai khó… thì nên hỏi thêm ý kiến bác sĩ (hoặc thầy thuốc) trước khi dùng lá lốt.
Khi dùng lá lốt làm thuốc cần lưu ý gì?
- Không dùng quá liều và không dùng liên tục trong thời gian dài.
- Người bị nóng trong người dẫn đến nhiệt miệng, táo bón, đau bao tử thì không nên ăn (vì lá lốt có tính ấm nên sẽ làm cho tình trạng bệnh nặng thêm).
- Theo kinh nghiệm dân gian thì phụ nữ đang cho con bú không nên ăn lá lốt hoặc uống thuốc từ cây lá lốt (vì sẽ làm mất sữa).
Tư liệu tham khảo
- 5 cách chữa viêm da cơ địa bằng lá lốt cho hiệu quả cao, https://www.tapchidongy.org/chua-viem-da-co-dia-bang-la-lot.html,
- Võ Văn Chi, Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 1, NXB Y học, HN, 2018.
- Cách chữa Gout bằng lá lốt an toàn, hiệu quả, ít tốn kém, https://www.tapchidongy.org/chua-gout-bang-la-lot.html,
- Ăn lá lốt chữa đau nhức xương khớp nhưng cần lưu ý điều gì khi ăn?, https://afamily.vn/an-la-lot-chua-dau-nhuc-xuong-khop-nhung-can-luu-y-dieu-gi-khi-an-20191107112013418.chn
- Tuệ Minh – Dương Thiên, Cây thuốc nam thông dụng trị liệu trong gia đình, NXB Đồng Nai.
- Giải đáp nỗi lo ‘Bà bầu ăn lá lốt trong thai kỳ sẽ bị mất sữa, https://voh.com.vn/suc-khoe/trong-thai-ky-ba-bau-an-la-lot-duoc-khong-326426.htm
Từ khóa: lá lốt có tác dụng gì, lá lốt có tác dụng gì trong Đông y?