Mủ trôm là loại thức uống thanh nhiệt rất quen thuộc của chị em phụ nữ. Nhìn chung, nếu bạn mua mủ trôm dạng khô rồi tự ngâm nở và làm nước uống thì rất tiết kiệm đấy!
Nội dung chính ⇒
Tác dụng của mủ trôm
Mủ trôm là mủ của cây trôm, có màu trắng (hơi vàng nhạt ở dạng khô) và khi ngâm vào nước thì nó sẽ nở nát ra. Khi mủ trôm đã nở hoàn toàn, ta có thể thêm đường, thêm nước đá và uống như một loại nước giải khát (có thể kết hợp với hạt chia).
Không chỉ giúp làm mát cơ thể, giải nóng nhiệt, mủ trôm còn được biết đến với nhiều công dụng như:
- Giúp nhuận tràng, giảm táo bón.
- Giảm mụn do nóng trong người.
- Giúp mát gan, giải khát.
- Giúp điều hòa đường huyết (với người bị tiểu đường thì không nên dùng đường, hoặc dùng đường cỏ ngọt, hoặc dùng các loại đường ít làm tăng đường huyết).
Lưu ý: Không ngâm mủ trôm bằng nước nóng (nên ngâm bằng nước bình thường hoặc nước ấm).
Uống mủ trôm mỗi ngày có tốt không?
Mủ trôm ngon và mát, tuy nhiên, bạn không nên vì thế mà uống nhiều vì sẽ làm mất cân bằng Âm Dương trong cơ thể (mủ trôm tính Âm, mát).
Nếu uống quá nhiều, bạn sẽ thấy mệt mỏi, dễ bị tiêu chảy, cơ thể cũng yếu hơn.
Liều dùng mỗi ngày được gợi ý là: 200 ml nước mủ trôm (tức gần 1 ly mủ trôm đã ngâm nở, nếu tính mủ khô để ngâm thì chỉ dùng khoảng 1 g).
Những người không nên dùng mủ trôm – Tác hại của mủ trôm
- Phụ nữ mang thai không nên dùng mủ trôm vì loại thức uống này có tính mát và nhuận, có thể gây sảy thai nếu dùng quá nhiều (đặc biệt là ở phụ nữ mang thai giai đoạn đầu, cơ thể yếu mệt).
- Phụ nữ đang cho con bú, trẻ nhỏ dưới 10 tuổi và những người có khối u trong ruột cũng không nên dùng.
- Người tỳ vị hư hàn, sợ lạnh, hay lạnh bụng, tiêu chảy... cũng không nên dùng vì sẽ làm tình trạng nặng hơn.
- Người đang uống các loại thuốc khác cũng không nên dùng mủ trôm để tránh tương tác thuốc và tránh gây độc (vì mủ trôm làm tăng sự hấp thu của thuốc vào máu, gây quá liều và ngộ độc).
Lưu ý khi ngâm mủ trôm
- Bạn nên ngâm theo tỉ lệ 5 g mủ trôm : 1 lít nước.
- Thời gian ngâm là từ 12 tiếng – 24 tiếng.
- Đợi mủ trôm nở hết thì mới uống.
- Chỉ dùng mủ trôm sạch, chất lượng, không có tạp chất.
Cây trôm là cây gì, có tên khoa học là gì?
Cây trôm còn được gọi là cây cốc vì quả của nó trông như cái mõ (gõ cốc cốc). Cây có tên khoa học là Sterculia foetida.
Cây trôm thuộc loại thân gỗ to, sống lâu năm và có lá gần giống lá gòn Nam Bộ. Khi chúng ta cạo bỏ lớp vỏ ngoài (ở những cây đủ tuổi khai thác mủ) và đục thành các đường chạy dọc theo thân cây thì mủ trôm sẽ từ từ tiết ra, đặc lại. Lúc này, ta đem phơi cho khô (phơi 4 nắng) để dễ bảo quản và sử dụng (thường thì sau một tuần mới chảy hết lượng mủ của đợt khai thác đó, vì vậy, ta cần dùng dây ni lông quấn lại để tránh bụi bẩn).
Sau một thời gian kể từ khi thu hoạch mủ, chỗ bị cạo vỏ sẽ hình thành lớp vỏ mới và ta có thể thu hoạch tiếp đợt khác.
Tư liệu tổng hợp
- Trôm, công dụng của mủ cây trôm và những lưu ý khi dùng, https://caythuoc.org/cay-trom-mu-trom.html
- Những lợi ích của mủ trôm và đối tượng không nên dùng vì sẽ lợi bất cập hại, https://voh.com.vn/suc-khoe/tac-dung-cua-mu-trom-va-luu-y-ve-doi-tuong-khong-nen-su-dung-330277.html,