Rau diếp (hay còn gọi là rau xà lách) đã không còn xa lạ với mọi người. Không chỉ là loại rau ăn sống hàng ngày, rau diếp còn được dùng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh.
Nội dung chính ⇒
Rau diếp (rau xà lách) chữa bệnh gì?
Rau diếp thường được gọi là rau xà lách nhưng trên thực tế, nó chỉ là một trong nhiều loại rau xà lách khác nhau như xà lách Mỹ, xà lách mỡ, xà lách lụa… Cây có tên khoa học là Lactuca sativa L. var. longifolia (1).
Rau diếp có vị đắng ngọt, tính lạnh, nếu ăn thường xuyên ở mức độ vừa phải sẽ giúp bồi bổ gân cốt, lợi khí, lợi ngũ tạng, lợi tiểu, thông kinh mạch, thông sữa, làm giảm hôi miệng, sáng mắt, dễ ngủ và giải độc rượu.
Ngoài ra, trong rau diếp còn chứa các khoáng chất có lợi cho sức khỏe như Can xi, Sắt, Mangan, Kẽm, I ốt, Phốt pho… (2) (4).
Các bài thuốc chữa bệnh từ rau diếp (rau xà lách)
Rau diếp (rau xà lách) là loại rau xanh có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Có thể kể ra một số công dụng làm thuốc của rau diếp như:
1. Hỗ trợ điều trị trĩ lở loét, đại tiện ra máu
Rau diếp giúp nhuận tràng, cầm máu nên có thể ăn sống hàng ngày để hỗ trợ điều trị trĩ và đại tiện ra máu (lưu ý ngâm rửa bằng nước muối cho sạch trước khi ăn).
Với bệnh trĩ, bên cạnh việc ăn rau diếp, các bệnh nhân cũng có thể lấy thêm vài cây rau diếp (khoảng 3 cây), rửa sạch, nấu lấy nước rồi dùng nước đó ngâm rửa chỗ bị bệnh (giúp sát trùng và giảm đau) (3).
2. Chữa mụn nhọt sưng đau
Lấy rau diếp rửa sạch, giã nát rồi đắp lên chỗ bị mụn nhọt 3 lần mỗi ngày. Bên cạnh đó, có thể dùng rau diếp làm thức ăn để phụ trợ thêm (khoảng 100 g mỗi ngày). Ngoài ra, để giảm mụn, các bạn cũng nên hạn chế thức khuya, ăn đồ nóng hoặc ăn uống quá no làm ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc của các cơ quan nội tạng (chỉ nên ăn vừa đủ no, nếu lưng bụng thì càng tốt) (3).
Nếu không dùng rau diếp, bạn cũng có thể dùng “cây rau má lá rau muống” để trị mụn. Cách này mình đã dùng rồi và thấy thực sự hữu hiệu.
Cách dùng: lấy lá “cây rau má lá rau muống” giã nát ra, thoa lên da 30 phút thì rửa lại với nước (hoặc không rửa cũng được), mỗi ngày 3 lần, sau từ 3 ngày bạn sẽ thấy mụn giảm, sau 7 đến 10 ngày bạn sẽ thấy da mặt rất mát và mụn cũng sẽ trồi ra nhân, với mình thì nó rất hay đấy). Loài này mọc hoang dại nên bạn nào ở miền quê thì tìm rất dễ.
3. Chữa bệnh háo khát, đầy chướng
Lấy 100 g rau diếp rửa sạch rồi ăn sống hàng ngày (nên dùng cả lá và thân non) (4).
4. Chữa bệnh viêm da
Lấy lá rau diếp rửa sạch, nghiền nát với dầu ô liu rồi bôi lên da, kiên trì dùng đều đặn mỗi ngày để thấy hiệu quả (4).
5. Giảm mụn trứng cá
Trong trường hợp bị mụn trứng cá, vùng da bị mụn thường bị nhiễm khuẩn. Khi đó, có thể lấy vài bó rau diếp rửa sạch, luộc trong hai lít nước, đến khi nước thật sôi (ra chất thuốc) thì đổ nước ra cho nguội rồi thường xuyên rửa mặt (5). Bên cạnh rau diếp, nếu bạn có cây rau má lá rau muống thì có thể bẻ lá rồi giã nát, vắt lấy nước ép thoa lên, sau nửa tiếng thì rửa mặt lại (thoa như thế từ 2 lần mỗi ngày sẽ thấy hiệu quả, trường hợp này mình đã thử và thấy có tác dụng rõ rệt).
6. Điều trị mất ngủ, căng thẳng thần kinh
Lấy 60 g rau diếp nấu trong một lít nước, nấu bằng lửa nhỏ và nấu trong một giờ. Dùng nước này uống mỗi ngày sẽ có tác dụng rất tốt đối với chứng mất ngủ và căng thẳng thần kinh (5).
Ngoài ra, rau diếp còn là một trong những loại rau có mức năng lượng rất thấp (chỉ 17 kcal/ 100 g). Vì vậy, ăn rau diếp cũng phần nào hỗ trợ chị em phụ nữ giảm cân, làm đẹp (1).
Những lưu ý khi dùng rau diếp (rau xà lách) chữa bệnh
- Rau diếp là loại rau lành tính, tuy nhiên, nếu lạm dụng quá nhiều, rau diếp có thể gây ra mờ mắt. Bên cạnh đó, những người đang bị bệnh về mắt cũng không nên dùng rau diếp (3).
- Không nên ăn rau diếp chung với huyết vì có thể gây bệnh trĩ. Ngoài ra, các bạn cũng cần tránh dùng rau diếp chung với mật vì có thể gây ngộ độc (theo Tạ Duy Chân, Những phương thuốc hay – “Rau cỏ trị bệnh”) (5).
- Cần phân biệt rau diếp trong bài viết này với rau diếp cá (rau rấp cá).
- Cần ngâm rau diếp với nước muối và rửa thật sạch trước khi dùng (ở nước ngoài đã có báo cáo về tình trạng rau xà lách bị nhiễm E.coli). Bên cạnh đó, không ăn những cây rau đã đổi màu hay có các dấu hiệu lạ.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng làm thuốc.
Các loại rau xà lách trên thị trường
Bên cạnh rau diếp (loại thường được dùng làm thuốc), trên thị trường còn có nhiều loại rau xà lách khác như:
Xem thêm: Rau má chữa bệnh sỏi thận, bí tiểu tiện và nhiều bệnh khác
Tư liệu tham khảo
- Rau diếp, https://vi.wikipedia.org/wiki/Rau_di%E1%BA%BFp
- Chữa bệnh bằng cây lá quanh nhà, trang 189.
- Minh Hạnh (biên soạn), Chữa bệnh bằng rau củ quả và động vật, NXB Văn hóa thông tin, trang 22.
- Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 2, NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 2004, trang 572.
- Tạ Duy Chân, Những phương thuốc hay – “Rau cỏ trị bệnh”, 1998.