Ở miền Bắc, người ta gọi là cây đậu triều (đậu chiều) còn ở Miền Nam thì gọi là đậu săng. Có nơi, người ta còn gọi là đậu cọc rào.
Ở nước ta, cây đậu triều thường được trồng để hái lá nuôi tằm, lấy quả non xào ăn, luộc ăn (chấm muối tiêu) và lấy hạt làm thức ăn (nấu chè, làm tương đậu…). Cho đến bây giờ, mình vẫn còn nhớ món đậu săng non luộc, chấm muối tiêu, ăn cả vỏ và hạt, ngon ơi là ngon! Ngon hơn cả đậu xanh non luộc.
Ở quy mô lớn hơn, hạt đậu triều còn được dùng làm thành phần sản xuất thức ăn chăn nuôi vì chứa nhiều đạm và có giá thành rẻ. Ngoài ra, nó còn được dùng làm cây ký chủ giai đoạn giữa cho các loại cây bán ký sinh (như đàn hương trắng).
Nội dung chính ⇒
Hạt đậu triều (đậu chiều, đậu săng) có tác dụng gì?
Với hạt đậu triều thì dân gian thường dùng bằng cách tách hạt từ những quả già rồi phơi khô.
Theo y học cổ truyền, hạt đậu triều có tính ấm và có các công dụng như:
- Giúp tiêu thực.
- Bổ trung ích khí.
- Cầm máu.
- Giúp giảm ho, giải cảm.
- Giúp giảm đau mỏi gân cốt.
- Điều trị tâm hư, mụn nhọt (ở Trung Quốc).
- Giúp lợi tiểu mạnh, điều trị thủy thũng.
Cách dùng: lấy từ 10 – 20 g hạt, nấu cho hạt chín rồi chắt lấy nước uống.
Trong hạt đậu triều (đậu chiều, đậu săng) có các chất dinh dưỡng gì?
Trong hạt đậu triều có chứa chất đạm (với làm lượng khá cao, khoảng 22 %), ngoài ra còn chứa Mg, Fe, Na, K, Ca, vitamin A, vitamin B6…
Nhìn chung, đây là loại hạt giàu năng lượng, trung bình 100 g hạt cung cấp khoảng 343 calo.
Rễ cây đậu triều có công dụng gì?
Với rễ cây, dân gian đào lấy, rửa sạch, chặt nhỏ rồi phơi khô. Theo y học cổ truyền, rễ cây đậu triều có các công dụng như:
- Thanh nhiệt, giải độc, hạ sốt.
- Sát trùng, giảm đau, tiêu thũng.
- Điều trị tiểu đêm.
Cách dùng: lấy 15 g rễ cây, chặt nhỏ rồi nấu lấy nước uống trong ngày.
Lá đậu triều có tác dụng gì?
Với lá đậu triều, dân gian thường dùng tươi và theo y học cổ truyền thì lá đậu triều có tác dụng gây nôn (để nôn chất độc ra) trong trường hợp ngộ độc do uống thuốc trừ sâu (vì lá cũng có ít độc).
Bên cạnh đó, lá đậu triều còn được dùng nấu nước tắm khi bị đậu mùa và giã nát đắp khi bị mụn nhọt (vì lá có một lượng độc nhỏ nên chỉ dùng thoa sức ngoài da).
Đậu triều có tên khoa học, tên tiếng Anh, tiếng Trung là gì?
Đậu triều có tên khoa học là Cajanus cajan.
Trong tiếng Anh, đậu triều được gọi là “Pigeonpea”.
Trong tiếng Trung, đậu triều được gọi là 木豆 (mộc đậu, [mù dòu]).
Tư liệu tham khảo
- Võ Văn Chi, Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 1.
- Đậu triều (đậu săng), công dụng và tiềm năng làm thuốc, https://caythuoc.org/dau-trieu-dau-sang.html
- 木豆, https://baike.baidu.com/item/%E6%9C%A8%E8%B1%86/4937130