Mủ gòn là loại thức uống quen thuộc của người Nam Bộ, thường được uống cùng hạt é, phổ tai, sương sâm và rong sụn.
Thế nhưng, ít ai biết rằng mủ gòn còn là vị thuốc quý điều trị nhiều bệnh thường gặp và vỏ cây gòn cũng vậy!
Nội dung chính ⇒
Mủ gòn được lấy từ đâu?
Mủ gòn là chất gôm nhựa tiết ra từ thân cây gòn, thường là ở những cây gòn lâu năm, bị sâu ăn, côn trùng đục hoặc bị các tổn thương cơ học, đứt gãy…
Mủ gòn có màu vàng trong, có khi hơi sẫm và trong điều kiện tự nhiên thì nó sẽ từ từ khô lại.
Mủ gòn này, bạn có thể phơi khô để dùng dần. Mỗi lần dùng, bạn lấy một ít, ngâm với nước sạch cho nở hoàn toàn rồi vớt ra, cho vào ly, thêm nước đá, đường và thưởng thức.
Ngày nay, mủ gòn được bán trên thị trường thường là dạng có màu vàng sẫm, khi ngâm nở thì giòn sựt chứ không giòn dai như mủ gòn tự nhiên (tự tiết ra từ thân cây) và cũng không có mùi hương đặc trưng cũng như độ nhày của mủ gòn tự nhiên. Vì vậy, nếu bạn dùng làm thuốc thì bạn nên chọn loại tự nhiên nhé!
Uống mủ gòn có tác dụng gì, có tốt cho sức khỏe không?
Theo công trình Từ điển cây thuốc Việt Nam (tập 1) thì mủ gòn có các công dụng như:
- Bồi bổ cơ thể và gây khát (mặc dù mủ gòn thường được dùng làm nước giải khát nhưng bản chất của nó là gây khát, vì vậy, nếu bạn uống riêng nước mủ gòn thì uống xong vẫn thấy khát nước).
- Làm săn da, nhuận tràng, điều trị táo bón.
- Điều trị lỵ, rong huyết.
- Điều trị đái tháo.
Cách dùng: Mỗi ngày, lấy từ 4 – 10 g mủ gòn, rửa sạch, ngâm cho nở hoàn toàn rồi loại bỏ các tạp chất (nếu có), sau đó cho thêm nước đá và thưởng thức (nếu không bị tiểu đường thì có thể cho thêm đường vào để nước uống ngon hơn).
Lưu ý: Mủ gòn phải là loại tự nhiên hoàn toàn, sạch, không bị dính mạt gỗ hay tạp chất, có màu vàng trong.
Lưu ý khi dùng mủ gòn
- Mủ gòn có tính mát nên người đang bị tiêu chảy, sợ lạnh, hay lạnh tay chân… không nên ăn nhiều.
- Cần ngâm bằng nước lã thông thường cho mủ gòn nở hoàn toàn rồi mới ăn (loại bỏ các tạp chất nếu có).
- Trẻ em không nên ăn quá nhiều.
- Phụ nữ mang thai không nên ăn.
Vỏ cây gòn có tác dụng gì?
Theo y học cổ truyền, vỏ thân cây gòn có các công dụng như:
- Lợi tiểu, giúp hạ nhiệt.
- Làm săn se da, giảm đau.
- Có tác dụng kích dục, điều trị bất lực và các bệnh về khớp.
- Giúp hồi phục thần kinh trong trường hợp bị viêm các loại rễ thần kinh.
- Điều trị kiết lỵ và tiêu chảy (dạng tiêu chảy thành thỏi dài trông như albumin).
- Điều trị ho, đau ngực.
- Điều trị sốt rét.
- Giúp giải độc rượu.
Cách dùng: Mỗi ngày, lấy từ 15 – 20 g vỏ cây gòn, cắt nhỏ ra rồi nấu lấy nước uống.
Lưu ý: nếu dùng quá liều thì sẽ bị nôn mửa (vì vỏ cây có tác dụng gây nôn).
Giá gòn có tác dụng gì?
Hạt gòn có chứa dầu hạt, chất đạm và có thể dùng làm giá. Được biết, giá được làm từ hạt gòn có thể xào ăn và có tác dụng làm tăng sự tiết sữa ở phụ nữ đang cho con bú (hoặc ăn sống cũng được).
Ngoài ra, ở Giava, dân gian còn lấy những quả gòn non (loại non thật non), rửa sạch, thái mỏng ra rồi xào lên để ăn như món ăn thông thường.
Tư liệu tham khảo
- Võ Văn Chi, Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 1, trang 1044.
Xem thêm: Mủ trôm có tác dụng gì đối với sức khỏe?