Bạn có biết, cụm từ “nhà tranh” ban đầu là để chỉ những ngôi nhà được làm bằng cỏ tranh, sau này mới được dùng để chỉ những ngôi nhà đơn sơ vách lá.
Và cỏ tranh là loại cỏ mọc hoang với sức sống mãnh liệt, có thể dùng thân rễ làm thuốc với tên gọi “bạch mao căn”.
Vâng, bạch mao căn chính là rễ tranh – những cọng trắng trắng, có vị ngọt mà ta thường nấu làm nước mát và làm thuốc điều trị bệnh.
Nội dung chính ⇒
Tác dụng của rễ tranh: uống nước rễ tranh có tác dụng gì?
Rễ tranh có vị ngọt tự nhiên và là vị thuốc có nhiều công dụng quý như:
- Thanh mát cơ thể.
- Giúp giải khát, điều trị sốt nóng khát nước.
- Điều trị vàng da do viêm gan.
- Giúp lợi tiểu, giải nhiệt, điều trị tiểu ít, tiểu buốt, tiểu dắt.
- Giúp cầm máu, mát máu, điều trị tiểu ra máu, chảy máu cam, ho ra máu…
- Điều trị sỏi đường tiết niệu và cao huyết áp.
Cách dùng làm thuốc: lấy từ 12 – 40 g rễ tranh, cắt nhỏ ra rồi nấu lấy nước và chia thành 3 lần uống trong ngày (nên nấu 2, 3 lần nước cho ra hết chất thuốc).
Thông tin thêm: Nếu dùng điều trị viêm thận cấp tính thì tăng liều lên, sắc uống từ 60 – 120 g và chia thành nhiều lần uống trong ngày (theo hướng dẫn của thầy thuốc).
Cách nấu nước mát rễ tranh mía lau
Được biết, nếu dùng rễ tranh nấu cùng mía lau thì nước sắc thu được sẽ có tác dụng thanh lương (làm mát cơ thể) và giải độc. Trong dân gian, chúng ta thường thấy công thức nước mát gồm các vị như:
- Rễ tranh.
- Mía lau.
- Lá lẻ bạn.
- Lá mã đề.
- Lá dứa.
- Râu bắp…
Khi nấu, chúng ta cắt ngắn rễ tranh ra (càng ngắn càng tốt), chẻ nhỏ mía lau ra rồi xắt nhỏ các vị còn lại ra (để chiết xuất được nhiều dược chất hơn), sau đó nấu cho sôi rồi giữ sôi thêm 15 phút nữa thì tắt bếp (lưu ý vặn lửa vừa vừa, không dùng lửa quá to).
Nước này có thể uống ấm, uống nguội hoặc uống lạnh tùy sở thích.
Tuy nhiên, mỗi người chỉ nên uống 1 – 2 ly mỗi ngày và mỗi tuần không nên uống quá 3 ngày (trẻ em chỉ uống với lượng bằng 1/2 hoặc 1/3 so với người lớn).
Lưu ý khi uống nước mát và rễ tranh
- Bà bầu không nên uống.
- Người thận yếu không nên uống.
- Không nên uống liên tục từ tuần này qua tuần khác, tháng này qua tháng khác vì sẽ dễ bị tác dụng phụ.
- Hỏi ý kiến thầy thuốc trước khi dùng chữa bệnh.
- Chỉ hợp với người bị nóng nhiệt, khô họng, mụn nhọt do nóng… ; không hợp với người thể tạng hàn, hay lạnh tay chân, sợ gió, sợ nước lạnh…
- Người bị tiểu đường không nên dùng mía lau.
- Không nên uống nhiều vào buổi tối hoặc những ngày trời mưa.
- Người huyết áp thấp cần hạn chế, không nên uống nhiều (tốt nhất là không uống).
***
Người ta hay nói “một túp lều tranh”, nghĩa gốc của nó là để chỉ những ngôi nhà đất, nhà gỗ thô sơ được lợp và dựng bằng các cọng lá cỏ tranh. Thường cỏ tranh mọc hoang ở những vùng đất đai khô cằn, đất phèn, những vùng ít người sinh sống… Vì vậy, nhà tranh còn là từ để chỉ những ngôi nhà nghèo, đơn sơ.
Tư liệu tham khảo
- Võ Văn Chi, Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 1.
Xem thêm: Rau húng quế trị bệnh gì?