Nói về tác dụng của vị thuốc ngưu tất, danh y Tuệ Tĩnh đã viết như sau:
“Ngưu tất cũng như rễ cỏ xước
Tính bình, chua, đắng, khỏe gân cốt
Chữa khớp, tê liệt, mạnh dương tinh
Điều huyết, tiểu thông, trừ cơn sốt“.
Vậy, ngoài các công dụng trên thì rễ cây ngưu tất còn có công dụng nào khác và cách dùng như thế nào?
Nội dung chính ⇒
Ngưu tất là vị thuốc gì?
Vị thuốc ngưu tất là phần rễ củ của cây ngưu tất (có tên khoa học là Achyranthes bidentata).
Cây ngưu tất khác cây cỏ xước (ngưu tất Nam), vì vậy, khi nhổ làm thuốc bạn cần chú ý để tránh nhầm lẫn nhé.
Cách phân biệt hai loại cây này tại đây: Cây ngưu tất giống và khác cỏ xước ở điểm nào?
Công dụng điều trị bệnh của ngưu tất và cách dùng làm thuốc
Vào mùa đông xuân, dược chất tích tụ nhiều, ta nhổ lấy củ ngưu tất rồi phơi tái, sau đó ủ cho đến khi các củ nhăn da lại (thời gian ủ từ 6-7 ngày) rồi tiếp tục xông diêm sinh theo đúng quy chuẩn, sau đó sấy khô.
Theo y học cổ truyền, rễ củ của cây ngưu tất có vị chua, đắng, mặn và có các công dụng như:
- Tính bình, giúp tan máu ứ, tiêu ung thũng.
- Bổ thận, bổ tỳ và làm mạnh gân cốt.
- Chống viêm, hạ huyết áp (điều trị cao huyết áp).
- Giúp hạ mỡ máu, điều trị tăng cholesterol máu.
- Gây co bóp tử cung, điều trị bế kinh, đau bụng kinh và chấn thương tụ máu bầm.
- Điều trị thấp khớp, nhức lưng.
- Điều trị tiểu buốt, tiểu buốt ra máu.
- Điều trị viêm họng.
- Điều trị phụ nữ khó sanh hoặc nhau thai không ra hết.
- Điều trị sốt rét lâu ngày không khỏi.
- Điều trị lưng gối đau mỏi (tẩm rượu rồi mới dùng).
Cách dùng: mỗi ngày lấy từ 6 – 12 g rễ củ cây ngưu tất, nấu lấy nước uống trong ngày.
Bài thuốc kết hợp: với các chứng như bốc nóng gây chóng mặt, nhức đầu, mắt mờ, ù tai, các biểu hiện của rối loạn tiền đình hay co giật, rút gân, cao huyết áp, táo bón, khó ngủ… thì dân gian dùng 30 g rễ ngưu tất kết hợp với 20 g thảo quyết minh (tức hạt muồng, với hạt muồng thì đem sao lên) rồi cùng nấu lấy nước uống trong ngày.
Đối tượng không nên dùng: phụ nữ mang thai không được dùng vì thuốc gây co bóp tử cung nên sẽ làm sẩy thai.
Thông tin thêm
Ngoài cây ngưu tất thì ở nước ta còn có cây ngưu tất lá dài (tên khoa học là Achyranthes bidentata Blume var. longifolia). Cây này có phiến lá thon hẹp, dài, nhẵn bóng và rễ của nó được dùng làm thuốc giúp thanh mát cơ thể, điều trị viêm amidan, làm mạnh gân cốt, bổ gan thận và giảm đau mỏi lưng gối. Ngoài ra, rễ cây còn giúp lợi tiểu, điều trị tiểu ra máu và giúp thông kinh, điều trị bế kinh (bằng cách lấy 12 – 20 g rễ cây nấu lấy nước uống hàng ngày).
Đối tượng cần tránh: phụ nữ mang thai không nên uống.
Tư liệu tổng hợp
- Võ Văn Chi, Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 1, NXB Y học, HN, 2018, trang 332.