La hán quả là quả la hán – một loại thảo dược cổ truyền của người phương Đông.
Từ xa xưa, người ta đã xem la hán quả như một loại quả “thần tiên”, dẫu có tiền cũng không hoán đổi.
Vậy, la hán quả có tác dụng gì mà lại được quý đến vậy? Phụ nữ mang thai có dùng được không và có thể mua ở đâu?
Nội dung chính ⇒
Cách sử dụng la hán quả
La hán quả ở dạng quả khô thường nhẹ, có vỏ ngoài màu nâu, trên vỏ vẫn còn bám một ít lông và đặc biệt rất ngọt (ngọt gấp 300 lần đường mía).
Thông thường, dân gian sẽ lấy nửa quả hoặc một quả la hán, bóp bể ra rồi để cả vỏ lẫn ruột vào nồi, đổ thêm một lít rưỡi nước rồi nấu cho sôi và tắt bếp, để nước tự nguội. Nước này có vị ngọt, có màu như nước sâm, mùi thơm đặc trưng và pha với nước đá thì sẽ ngon hơn (dùng để uống trong ngày).
Chính vì vừa ngọt vừa thơm mà các em nhỏ ở quê tôi rất thích la hán quả. Mỗi khi thấy người lớn mua về để nấu công thức nước sâm (cùng với hoa cúc, thục địa, bí đao…) thì chúng lại xin một quả rồi bẻ ra, chia nhau cùng nhâm nhi. Ruột quả thì ngọt ngây còn vỏ thì ngọt quá thành ra có cảm giác như đắng (và vỏ quả thì ngon hơn ruột vì nó cứng và giòn, bẻ một miếng nhỏ là nhâm nhi cả buổi).
Hiển nhiên, vì la hán quả là một vị thuốc thực thụ nên ta không thể dùng hàng ngày. Với nước mát từ la hán quả thì mỗi tuần chỉ nên uống hai hoặc ba lần, mỗi lần uống 1 ly là được.
La hán quả có tác dụng gì?
La hán quả là vị thuốc – thức uống có vị ngọt nhưng lại không sinh nhiệt nên không gây nóng trong người và không làm tăng cân (chất tạo ngọt có trong la hán quả không phải là đường).
Theo y học cổ truyền, la hán quả có các công dụng như:
- Giúp thanh nhiệt, mát gan, kháng viêm, làm mát máu.
- Giúp nhuận phế, giảm ho gà, ho đờm do phế nhiệt.
- Điều trị viêm khí quản (kể cả cấp tính và mãn tính).
- Giúp giải khát, hỗ trợ bệnh nhân tiểu đường thèm ngọt.
- Giúp nhuận tràng, tốt cho tỳ vị, điều trị táo bón.
- Giúp chống lão hóa, giữ da tươi trẻ lâu hơn.
- Tốt cho tim mạch, giúp hạ huyết áp.
- Điều trị viêm họng, viêm amidal.
- Giúp thư giãn gân cốt.
- Giúp tăng sức đề kháng.
Cách dùng: Mỗi ngày, mỗi người trưởng thành có thể dùng 16 g la hán quả (khô), bẻ nhỏ ra rồi nấu với 1 lít nước (hoặc 1,5 lít) để uống như trà (uống nóng hay lạnh đều được).
Uống nước quả la hán hàng ngày có tốt không?
Trước khi nấu la hán quả, bạn nên dùng miếng vải lau sạch lớp lông bám bên ngoài (nếu còn), hoặc đem rửa cho sạch lông và bụi. Sau đó, bạn kiểm tra xem bên trong quả có bị mối mọt, hỏng mốc không nhé!
Về cách nấu:
- Để tránh hao hụt dược chất thì ta nên nấu bằng lửa nhỏ hoặc hãm trong nước sôi.
- Không nên nấu nước quá đặc, 1 quả nên nấu với 1,5 lít nước.
Về liều lượng:
- La hán quả là một vị thuốc thực thụ, vì vậy, bạn không thể dùng như nước uống hàng ngày được.
- Nếu muốn uống để thanh nhiệt thì mỗi ngày chỉ uống 1 ly và mỗi tuần uống 2 – 3 lần là được (nếu uống quá nhiều nước la hán quả thì hệ tiêu hóa sẽ bị suy yếu, dễ bị bệnh về đường tiêu hóa).
Đối tượng không nên dùng:
- Người thể tạng hàn, rêu lưỡi trắng, da nhợt nhạt, hay lạnh bụng, chướng bụng, lạnh tay chân, sợ lạnh, cảm lạnh, nhiễm hàn… không nên dùng la hán quả.
- Bên cạnh đó, phụ nữ mang thai 3 tháng đầu, người bị tiểu đêm hoặc đàn ông bị mộng tinh cũng không nên uống la hán quả.
La hán quả có tốt cho người bị tiểu đường không?
La hán quả là chất tạo ngọt tốt cho bệnh nhân tiểu đường (vì chất làm nên vị ngọt của la hán quả không phải là đường). Trong khi đó, bệnh nhân tiểu đường lại rất thèm ngọt.
Vì vậy, ta có thể dùng la hán quả làm nước uống hoặc chế biến thành gia vị ngọt để giải quyết cơn thèm ngọt ở bệnh nhân tiểu đường.
Hơn nữa, la hán quả cũng giúp ích cho người tiểu đường bị béo phì vì nó rất ít calo.
Bà bầu có thể dùng la hán quả không?
- Phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu thai kỳ không nên dùng la hán quả.
- Phụ nữ mang thai có thể tạng hư hàn, sợ lạnh… cũng không nên dùng.
- Sau 3 tháng trở đi, nếu thai nhi khỏe thì mẹ bầu có thể uống nước la hán quả, tuy nhiên, mỗi ngày chỉ cần uống 1 ly (nếu tính khối lượng quả khô để nấu thì khoảng 15 g trở lại, nấu bằng lửa nhỏ hoặc hãm uống như trà).
La hán quả mua ở đâu, giá bao nhiêu?
Bạn có thể dễ dàng mua la hán quả ở các tiệm thuốc Bắc hoặc mua online. Giá bán lẻ mỗi quả la hán là 5 – 10 ngàn đồng, tùy theo chất lượng và kích cỡ.
Khi mua quả la hán, bạn cầm và lắc thử. Nếu nghe tiếng sục sạc nghĩa là quả ấy đã để lâu (ruột khô rút lại nên có khoảng rỗng), không tốt bằng những quả lắc không kêu (ruột bên trong còn bám vào vỏ).
Bên cạnh đó, loại quả tốt thường có vỏ cứng và dày hơn (bóp vào khó bể, phải dùng lực bóp mới bể).
Ngoài ra, những quả bẻ ra có phần ruột bên trong đậm màu, trông hơi nhĩn nhĩn ướt ướt là quả tốt (còn những quả bóp dễ bể, bên trong khô xơ là loại kém).
Điều quan trọng hơn, bạn nên kiểm tra xem bên trong quả có các con mạt, mọt, sâu non… không nhé (vì la hán quả để lâu ngày rất dễ bị sâu mọt li ti, thường những quả bị nứt sẵn sẽ dễ bị hơn).
La hán quả có tên khoa học là gì?
Cây la hán quả có tên khoa học là Siraitia grosvenorii, là một loại dây leo bò giàn, quả trông như quả chanh dây nhưng có lớp lông nhung bên ngoài, quả có vị rất ngọt.
Tư liệu tham khảo
- THVL | Dr. Khỏe – Tập 538: Quả la hán – Phần 2, https://www.youtube.com/watch?v=8j79_8XCH7E
- THVL | Dr. Khỏe – Tập 390: La hán quả – Phần 1, https://www.youtube.com/watch?v=D34_qHKWE8g
Xem thêm: Kỷ tử có tác dụng gì?