Y học cổ truyền có rất nhiều vị thuốc giúp hạ đường huyết và hỗ trợ điều trị tiểu đường, chẳng hạn như đậu xanh, nụ vối, củ cải trắng, lá ổi non, khổ qua rừng, cam thảo đất… Vì vậy, trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ với các bạn cách trị tiểu đường tại nhà bằng các loại cây lá theo kinh nghiệm dân gian nhé!
Vậy, cách dùng từng loại như thế nào?
Nội dung chính ⇒
1. Cách dùng đậu xanh điều trị tiểu đường tại nhà
Công dụng điều trị tiểu đường của hạt đậu xanh đã được ghi chép trong nhiều công trình y học nổi tiếng như Từ điển cây thuốc Việt Nam, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam…, ngoài ra còn được phổ biến trên nhiều trang báo. Cách dùng như sau:
- Cách 1: Lấy 40 g đậu xanh nguyên hạt, nấu cho chín nhừ rồi chia thành 2 hoặc 3 lần ăn trong ngày (không nêm thêm gia vị gì cả), mỗi ngày đều ăn cho đến khi đường huyết ổn định lại.
- Cách 2: Lấy 40 g đậu xanh nguyên hạt, 40 g đậu đỏ nguyên hạt và 40 g ý dĩ (mua ở tiệm thuốc Bắc), nấu chín nhừ rồi cũng chia thành nhiều lần ăn trong ngày, ngày nào cũng ăn cho đến khi khỏi (lưu ý không nêm đường hay bất cứ gia vị nào khác).
Xem thêm những lưu ý khi dùng đậu xanh Tại đây.
2. Cách dùng lá dứa thơm (lá nếp) điều trị tiểu đường
Đây là bài thuốc được lưu truyền trong dân gian từ nhiều năm qua, đặc biệt là nhóm người Việt ở nước ngoài. Ở nước ta, lương y Nguyễn Công Đức cũng có giới thiệu bài thuốc này.
Cách dùng như sau: Hái 70 g lá dứa tươi, rửa sạch rồi xé nhỏ ra, sau đó cắt ngắn và cho vào nồi (hoặc ấm), đổ thêm 4 hoặc 5 chén nước, nấu cho sôi thì hạ lửa xuống và để riu riu thêm 5 phút nữa mới nhắc xuống.
Khi thấy nước bớt nóng, bạn đổ vào bình giữ nhiệt và để uống dần trong ngày, mỗi lần uống một ít cho đến khi hết, không để qua đêm (uống trước bữa ăn 30 phút).
Xem thêm những lưu ý khi dùng lá dứa Tại đây.
3. Cách dùng nụ vối điều trị tiểu đường
Tác dụng điều trị tiểu đường của trà nụ vối đã được thực chứng qua nhiều công trình nghiên cứu (cả thí nghiệm và thực nghiệm lâm sàng).
Cách dùng như sau: Lấy 15 g nụ vối (đã phơi khô), hãm với nước sôi rồi để bớt nóng thì cho vào bình giữ nhiệt (hoặc ngăn mát tủ lạnh), chia thành ba lần uống trong ngày (không thêm đường và không để qua đêm). Với trà nụ vối, bạn pha xong nước thứ nhất thì có thể đổ thêm nước sôi vào để lấy nước thứ hai vì chất thuốc của nó vẫn còn (thường thì nước thứ hai sẽ có màu đậm hơn).
Xem thêm những lưu ý khi dùng trà nụ vối Tại đây.
4. Cách dùng củ cải trắng điều trị tiểu đường
Củ cải trắng điều trị tiểu đường là bài thuốc dân gian được ghi ghép trong nhiều tư liệu y học.
Cách dùng như sau: Lấy 200 g củ cải trắng (còn tươi), đem rửa sạch, gọt bỏ bỏ rồi xắt thành từng miếng nhỏ. Tiếp theo, lấy 50 g gạo trắng và 50 g gạo nếp, nấu cho chín thành cháo rồi cho củ cải trắng vào, nấu thêm cho củ cải chín thì tắt bếp, đổ ra tô và đợi bớt nóng thì ăn (ăn lúc cháo còn ấm), mỗi ngày đều ăn hai lần cho đến khi kiểm soát được đường huyết.
Xem thêm những lưu ý khi dùng củ cải trắng Tại đây.
5. Cách dùng lá ổi non điều trị tiểu đường
Theo kinh nghiệm dân gian, có thể dùng lá ổi non điều trị tiểu đường bằng nhiều cách, tuy nhiên, người bị táo bón thì không nên dùng nhé!
- Cách 1: Lấy 20 g lá ổi non tươi, rửa sạch, thái nhỏ rồi cho vào nồi, đổ thêm 1 lít nước và nấu. Khi thấy nước sôi, bạn vặn lửa nhỏ lại, để thêm 5 phút thì tắt bếp và chắt nước vào bình giữ nhiệt để uống dần trong ngày (nên chia thành 3 lần uống).
- Cách 2: Người bị tiểu đường (có hoặc không có kèm bệnh Gút) cũng có thể dùng bài thuốc sau đây (do lương y Nguyễn Công Đức giới thiệu).
- Cách dùng như sau: Lấy 20 g lá ổi non tươi (rửa sạch, xé nhỏ ra), sau đó lấy thêm 100 g trái đậu bắp tươi (rửa sạch, cắt thành các lát mỏng) và lấy thêm 100 g lá sa kê vừa rụng (loại lá vàng tự rụng, còn tươi hoặc đã khô đều được), tất cả cùng nấu lấy nước uống (lượng nước để nấu là hai lít, nấu bằng lửa vừa vừa, đến khi nước rút còn một lít thì nhắc xuống và đổ ra, bảo quản trong bình giữ nhiệt hoặc ngăn mát tủ lạnh).
- Cách uống: Chia thành ba lần uống trong ngày, không để qua đêm.
Xem thêm những lưu ý khi dùng lá ổi điều trị tiểu đường Tại đây.
6. Cách dùng cây cam thảo đất điều trị tiểu đường
Theo nhà nghiên cứu Võ Văn Chi cũng như lương y Nguyễn Công Đức thì cây cam thảo đất có thể điều trị tiểu đường, đặc biệt là trường hợp tiểu đường dẫn đến lở loét lâu ngày không khỏi (vì hoạt chất trong cây này có tác dụng hạ đường huyết và làm lành vết thương, kể cả mụn nhọt, ghẻ lở lâu lành…).
Cách dùng như sau:
- Cách 1: Lấy 20 – 40 g toàn cây cam thảo đất tươi (nhổ cả rễ, thân, lá, quả… còn tươi), rửa sạch, cắt ngắn rồi nấu lấy nước uống trong ngày.
- Cách 2: Lấy 8 – 12 g toàn cây cam thảo đất khô (nhổ cả rễ, rửa sạch, phơi khô, cắt ngắn), cho vào nồi và nấu lấy nước uống trong ngày (theo cách sắc thuốc thông thường).
- Cách 3: Lấy 100 g phần trên mặt đất của cây cam thảo đất còn tươi (tức dùng thân, lá, quả…, bỏ phần rễ), rửa sạch, cắt ngắn ra rồi nấu với một lít nước. Khi thấy nước sôi, bạn vặn lửa nhỏ lại, nấu thêm 15 phút nữa thì nhắc xuống, để nước tự nguội và chia thành hai lần uống trong ngày (bảo quản trong bình giữ nhiệt hoặc ngăn mát tủ lạnh và chỉ uống trong ngày). Nếu dùng dạng khô thì chỉ dùng 40 g phần trên mặt đất của cây, bạn nhé!
Xem thêm những lưu ý khi dùng cam thảo đất Tại đây.
7. Cách dùng trà khổ qua rừng điều trị tiểu đường
Ở nước ta có nhiều thương hiệu trà khổ qua rừng giúp hỗ trợ điều trị tiểu đường (chẳng hạn như trà khổ qua rừng Mudaru).
Công dụng của khổ qua rừng và những lưu ý khi dùng nó cũng đã được nhiều đài truyền hình giới thiệu Tại đây.
Nhìn chung, mỗi nhà sản xuất sẽ có một hướng dẫn riêng về liều lượng dùng và công dụng của trà khổ qua rừng. Các loại trà này đều được đóng gói dưới dạng túi lọc nên rất dễ dùng, chỉ cần hãm với nước sôi là được (uống ấm hay uống lạnh đều được).
8. Cách dùng rau càng cua điều trị tiểu đường
Rau càng cua là loại rau có tác dụng hạ đường huyết. Vì vậy, nó được dân gian dùng điều trị tiểu đường cũng như giúp phòng ngừa các biến chứng của căn bệnh này. Ở quê, rau càng cua mọc rất nhiều nên việc tìm cây này làm thuốc là khá dễ dàng.
Cách dùng như sau: Lấy 100 g rau tươi, nhặt bỏ bụi bặm và những lá hư hỏng rồi rửa bằng nước muối cho sạch, sau đó tiếp tục rửa bằng nước lã cho rau sạch hoàn toàn (vì chúng ta sẽ dùng tươi nên cần đảm bảo rau không bị ký sinh trùng gây hại).
Với rau này, bạn xay nát bằng máy xay sinh tố (nếu không có máy xay thì giã nát cũng được), sau đó đổ thêm một lít nước vào và cho vào ngăn mát tủ lạnh để bảo quản (chia thành 3 lần uống trong ngày, xay ngày nào thì uống ngày đó).
Xem thêm những lưu ý khi dùng rau càng cua Tại đây.
9. Cách dùng rau bợ (cỏ bợ) điều trị tiểu đường
Rau bợ (cỏ bợ) cũng là vị thuốc được biết đến với tác dụng điều trị tiểu đường. Theo y học cổ truyền, bạn có thể dùng rau bợ làm thuốc theo cách sau:
- Chuẩn bị thuốc: Hái rau bợ về (nên hái nhiều để dùng nhiều lần), lặt bỏ các cọng héo úa rồi rửa sạch, phơi khô và cắt nhỏ ra.
- Nấu thuốc: Mỗi ngày, bạn lấy 30 g rau bợ đã phơi khô, cho vào chảo, sao vàng rồi đổ một lít nước vào, nấu cho nước sôi thì vặn lửa nhỏ lại, sau đó đợi thêm 10 phút nữa thì tắt bếp, để nguội, chắt lấy nước uống trong ngày (chia thành 3 lần uống trong ngày).
Xem thêm cách phân biệt rau bợ với rau chua me đất và những lưu ý khi dùng rau bợ làm thuốc Tại đây.
10. Cách dùng cây sương sáo điều trị tiểu đường
Cây sương sáo được trồng không chỉ để làm nước uống (thạch sương sáo) mà còn để làm thuốc điều trị cao huyết áp và nhiều bệnh khác, trong đó có bệnh tiểu đường.
Cách dùng như sau: Mỗi ngày, lấy từ 30 g đến 50 g cành lá cây sương sáo, rửa sạch, cắt ngắn ra rồi nấu lấy nước và chia thành 3 lần uống trong ngày.
Xem thêm những lưu ý khi dùng sương sáo làm thuốc Tại đây.
Bệnh nhân tiểu đường cần lưu ý gì?
- Không được bỏ thuốc bác sĩ kê toa mà phải hỏi ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn cách kết hợp giữa Đông y và Tây y sao cho phù hợp (gia giảm liều lượng hoặc phân bổ thời gian dùng thuốc). Trên thực tế, đã có nhiều trường hợp bỏ ngang loại thuốc đang điều trị khiến cho huyết áp tăng cao vọt, phải nhập viện cấp cứu.
- Bệnh nhân tiểu đường không nên bỏ cơm mà nên ăn uống theo chế độ được bác sĩ hướng dẫn: cắt giảm thực phẩm chứa nhiều đường, tăng cường rau xanh…